Giá thuê văn phòng tăng bất chấp dịch

Giá chào thuê trung bình văn phòng hạng B ở TP HCM quý III tăng mạnh, còn Hà Nội chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo Thị trường văn phòng TP HCM quý III/2020 của Colliers International Vietnam cho biết, giá chào thuê trung bình văn phòng hạng A và B quý III đều tăng lần lượt 4,5% và 11,5% so với quý II.

Còn so với cùng kỳ 2019, giá chào thuê hạng A chỉ giảm nhẹ 0,2%, trong khi hạng B tăng mạnh 26,1%. Theo đó, khoảng giá cho thuê thuần của các tòa nhà hạng B tại TP HCM rất rộng, trải dài từ khoảng 10-48 USD trên mỗi m2 mỗi tháng tính đến quý III/2020.

Do quý II không ghi nhận nguồn cung mới, tỷ lệ lấp đầy văn phòng hạng A và B của quý vừa qua đã tăng gần chạm đỉnh. Cụ thể, diện tích cho thuê còn trống của hạng A và B lần lượt 2% và 5%.

Tương tự, giá thuê tại Hà Nội chỉ xếp sau Singapore (tính trong phạm vi ASEAN), giảm chỉ 1% so với cùng kỳ năm trước, công suất đạt 94%. Theo ông Lê Tuấn Bình, Trưởng bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội, đây là tín hiệu tốt cho thấy thị trường văn phòng tại đây có tiềm năng phục hồi lớn sau khi Covid-19 được kiểm soát.

Một công ty môi giới văn phòng ở Hà Nội cho biết, hiện giá thuê một số văn phòng hạng A tại khu vực quận Ba Đình dao động 26-45 USD mỗi m2, quận Đống Đa là 22-30 USD mỗi m2, Hoàn Kiếm là 27-46 USD mỗi m2.

Khu trung tâm TP HCM với một số tòa nhà văn phòng hạng B có trong ảnh như: Saigon Trade Center, Vincom Center, The Landmark Tower ...Ảnh: Quỳnh Trần

Khu trung tâm TP HCM với một số tòa nhà văn phòng hạng B có trong ảnh như: Saigon Trade Center, Vincom Center, The Landmark Tower ...Ảnh: Quỳnh Trần.

Lý giải việc văn phòng hạng B ở TP HCM trở thành phân khúc được săn đón nhất thời gian qua, Colliers International cho rằng do hệ quả từ Covid-19 cùng với xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm, nên được đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ ưa chuộng.

Cụ thể, trong đợt dịch, giá thuê văn phòng hạng A liên tục tăng nên một số công ty bắt đầu dịch chuyển văn phòng làm việc ra khỏi khu vực trung tâm để giảm chi phí. Các quận mới nhận được sự quan tâm bao gồm quận 2, 5, Bình Thạnh và Tân Bình.

Thêm vào đó, một số khách thuê lớn di dời từ tòa nhà hạng A xuống phân khúc B, thậm chí mục tiêu là tìm kiếm tòa nhà có chi phí thuê thấp hơn nữa. Ngành tài chính ngân hàng và tài chính công nghệ bắt đầu có động thái thu hẹp diện tích thuê do muốn tái cấu trúc văn phòng nhằm giảm chi phí.

Ông David M. Jackson, Tổng giám đốc Colliers International Việt Nam nhận định, văn phòng hạng B được đánh giá cao về chất lượng, vị trí trung tâm nhưng mức giá lại dễ chịu hơn nhiều so với văn phòng hạng A. "Chính vì thế, đây là phân khúc sẽ được ưa chuộng nhất, chiếm ưu thế cả về nhu cầu cũng như nguồn cung thị trường trong thời gian tới", ông dự báo.

Tại Hà Nội, Savills cũng cho biết, trong quý II, nhiều khách thuê chấp nhận thu hẹp phạm vi văn phòng hoặc chuyển đến mặt bằng thương mại với giá thuê thấp hơn để kiểm soát được chi phí. Savills ghi nhận xu hướng chuyển đổi từ văn phòng truyền thống sang văn phòng dịch vụ linh hoạt. Hình thức này giúp khách thuê tiết kiệm đến 90% chi phí.

Giá chào thuê trung bình tính trên mỗi m2 hàng tháng của văn phòng hạng A (màu xanh) và hạng B (màu vàng) tại TP HCM qua các năm. Nguồn: Colliers International.

Giá chào thuê trung bình tính trên mỗi m2 hàng tháng của văn phòng hạng A (màu xanh) và hạng B (màu vàng) tại TP HCM qua các năm. Nguồn: Colliers International.

Thực tế, vẫn có khách thuê với năng lực tài chính tốt di chuyển văn phòng của họ đến tòa nhà hạng A, nhưng lượng giao dịch ít hơn nhiều so với cùng kỳ. Do nguồn cung không thay đổi nên tỷ lệ lấp đầy quý này vẫn giữ ở mức cao.

Nếu dịch được kiểm soát tốt, nguồn cung mới ở khu vực các quận phía Đông TP HCM được triển khai, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dịch chuyển vào Việt Nam. Khi đó, nhu cầu thuê văn phòng sẽ càng tăng lên.

Savills cũng nhận xét, Hà Nội được dự báo tiếp tục thu hút nguồn FDI lớn, nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có lượng FDI cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực trong thời gian tới, sẽ là những bàn đạp tốt để phân khúc văn phòng phục hồi và phát triển.

So với các thành phố lớn trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, thị trường văn phòng tại Hà Nội được kỳ vọng có tốc độ phục hồi nhanh sau đại dịch, đặc biệt là nửa cuối năm 2021 cho đến đầu năm 2022 khi nhiều dự án mới đi vào hoạt động và các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng doanh mục đầu tư vào Việt Nam.

Thời gian tới, ông Bình cho rằng thị trường cần thêm các yếu tố tạo động lực phát triển đến từ chủ nhà và khách thuê, liên quan đến các điều khoản và chính sách ưu đãi.

Ví dụ nếu khách thuê muốn có thêm các chiết khấu, giảm giá thuê trong dài hạn, họ cần đưa ra những cam kết sớm về thời hạn thuê dài hơn. Điều này đảm bảo công suất thuê của tòa nhà, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho chủ nhà trong quá trình cho thuê.

Dỹ Tùng - Phương Ánh

Let's block ads! (Why?)