Nhiều địa phương 'tuýt còi' trang trại làm điện mặt trời mái nhà

Một loạt địa phương bắt đầu chấn chỉnh tình trạng phát triển nóng dự án điện mặt trời trang trại nông nghiệp để hưởng ưu đãi.

Chính sách ưu đãi giá mua điện mặt trời mái nhà 8,38 cent một kWh (khoảng 1.943 đồng - cao hơn nhiều loại hình khác) chỉ áp dụng cho các dự án đấu nối và vận hành thương mại trước 31/12 nên vài tháng qua, cuộc chạy đua ngày càng sôi động với nhiều "điểm nóng".

Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) là một trong số đó. Phần lớn các dự án điện mặt trời mái nhà ở đây có công suất lắp đặt lớn, xấp xỉ 1 MW mỗi dự án. Riêng xã H'bông (huyện Chư Sê) đã có 15 dự án điện mặt trời mái nhà vận hành trong nửa năm qua, công suất lắp đặt hơn 990 kWp một dự án.

Theo lãnh đạo huyện, địa phương này có tình trạng tổ chức, cá nhân thi công các công trình điện mặt năng lượng mặt trời mái nhà một cách tự phát, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, làm mất cảnh quan đô thị hiện tại và tương lai. Nhiều dự án điện mặt trời mái nhà xin phép chủ trương đầu tư theo hình thức dự án nông nghiệp công nghệ cao, sau khi xây dựng sẽ lắp đặt hệ thống pin mặt trời trên mái, không đúng với nội dung xin phép và tự ý áp trên mái nhà đang sử dụng.

"Đề nghị Công ty Điện lực Gia Lai, yêu cầu Điện lực Chư Sê phối hợp, chỉ đồng ý cho đấu nối vào lưới điện với các dự án loại này sau khi có ý kiến của UBND huyện và tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời việc lắp đặt các tấm pin mặt trời chưa được xin phép", văn bản UBND huyện Chư Sê nêu.

Một mô hình điện mặt trời kết hợp trồng cây nông nghiệp ở miền Trung. Ảnh: Duy Hà

Một mô hình điện mặt trời kết hợp trồng cây nông nghiệp ở miền Trung. Ảnh: Duy Hà

Chư Sê chỉ là một ví dụ điển hình tại Gia Lai về phát triển ồ ạt các dự án điện mặt trời mái nhà. Thống kê tại Gia Lai cho thấy, ngoài 755 dự án điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành, hiện còn 118 dự án đã thoả thuận đấu nối nhưng chưa đưa vào vận hành, tương đương công suất hơn 381 MWp. Phần lớn đã có thoả thuận đấu lưới có công suất lắp đặt 1MW.

Ngoài việc chủ đầu tư tự ý lắp các tấm pin mặt trời trên mái nhà chưa được cấp phép còn hiện tượng tự ý xây dựng trang trại khi chưa chuyển sang loại hình "đất nông nghiệp khác" (thay vì chỉ được phép trồng trọt). UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ngành kiểm tra thực tế, xử lý nghiêm vi phạm xây dựng công trình trang trại và điện mái nhà khi chưa được cơ quan nhà nước cho phép điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai, chuyển sang đất nông nghiệp khác.

Tương tự, UBND thành phố Buôn Ma Thuột khẳng định, các dự án điện mặt trời trang trại nông nghiệp không đúng với tiêu chí kinh tế trang trại theo Thông tư 02/2020 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Hệ thống điện mặt trời dạng này cũng sử dụng đất sai mục đích, lắp hệ thống tấm pin mặt trời không đúng quy định tại Quyết định 13/2020. Vì thế, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đề nghị Công ty Điện lực Đăk Lăk không ký hợp đồng mua bán điện, không đấu nối với các dự án này.

Còn tại Khánh Hoà, trả lời Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Khánh Hoà về cấp giấy phép xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà xưởng doanh nghiệp trong khu công nghiệp, Bộ Xây dựng khẳng định, việc đầu tư bổ sung lắp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục đầu tư xây dựng. Theo đó, nhà đầu tư muốn được cấp phép xây dựng dự án kiểu này phải lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế và quản lý chất lượng công trình theo quy định pháp luật đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường...

Trong lúc cơ quan chức năng còn rà soát, chấn chỉnh các dự án "biến tướng", lưới điện ở một số địa phương, tập trung chủ yếu khu vực miền Trung và miền Nam, đã quá tải. Chẳng hạn, tại Gia Lai, một số trạm biến áp, đường dây tại khu vực thành phố Pleiku, huyện KrongPa hay Chư Sê... đã không còn khả năng giải toả công suất do quá tải đường dây, lưới. Tới cuối tháng 6, Gia Lai có khoảng 110 MWp được xác định là vượt khả năng giải toả lưới điện.

Tại miền Nam, theo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), hiện có 2.532 khách hàng đăng ký đấu nối nhưng chưa vận hành thương mại, tổng công suất hơn 1.496 MWp. Trong đó có 240 dự án với tổng công suất 229MWp vượt khả năng giải tỏa công suất, tập trung chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh.

Còn tại miền Trung, theo số liệu của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), hiện 519 dự án với tổng công suất 414,2 MWp đăng ký đấu nối nhưng không đáp ứng giải toả công suất.

Như vậy, thực tế triển khai đã đi chệch mục tiêu phát triển điện mặt trời áp mái ở thế giới là giảm áp lực cấp điện ngay tại chỗ và khu vực hẹp xung quanh, mà không phải đầu tư thêm nhiều vào đường truyền tải điện hiện có. Hiện có dấu hiệu lợi dụng chính sách giá ưu đãi 8,38 cent một kWh, phát triển ồ ạt loại hình đầu tư này ở nhiều địa phương.

Để giải toả tình trạng quá tải lưới trung - hạ áp ở các địa phương phát triển nóng điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương cho biết, đang dự thảo hướng dẫn cụ thể để giải quyết tình trạng này.

Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện trung áp các khu vực đầy tải, quá tải trong năm 2020. Ngành điện cam kết tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích tối đa cho nhà đầu tư tham gia mà không làm quá tải lưới điện 110kV.

Bên cạnh đó, các tổng công ty điện lực được yêu cầu nghiên cứu, đề xuất bổ sung các dự án đầu tư, nâng cấp lưới điện các khu vực có đấu nối, giải tỏa công suất điện mặt trời mái nhà những năm tới.

Anh Minh

Let's block ads! (Why?)