Biểu giá bậc thang không hợp lý, cần được cải tiến để tránh tình trạng tiền điện nhiều hộ tăng vọt mùa nắng nóng, theo đại diện EVN.
Quan điểm này được ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra tại toạ đàm về chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện tăng cao, chiều 14/7.
Theo ông Dũng, khi đời sống người dân tăng lên, việc cơ quan quản lý nghiên cứu, điều chỉnh lại biểu giá để "tránh tăng sốc tiền điện khi chuyển mùa" là cần thiết.
Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cũng đồng tình với việc cần sửa biểu giá điện sinh hoạt bậc thang khi xu hướng tiêu dùng của người dân tăng lên.
Theo ông Sơn, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mức tiêu dùng điện bình quân của các hộ hiện quanh ngưỡng 200 kWh một tháng. Vì thế, nhà chức trách nên tính toán các mức giá và chia bậc thang giá điện trên cơ sở mức trung bình 200 kWh này, để dễ dàng thực hiện và không phải điều chỉnh nhiều trong thời gian dài.
Hiện cũng có nhiều phương án điều chỉnh biểu giá điện bậc thang được đưa ra, gần nhất là phương án 5 bậc được Bộ Công Thương đề xuất, đưa ra lấy ý kiến. Thậm chí gần đây, Bộ này cho biết đang nghiên cứu thêm phương án một giá điện, bên cạnh biểu giá điện bậc thang để người dân có thêm sự lựa chọn.
Tuy nhiên, nêu ý kiến cá nhân, ông Dũng nói "vẫn nên duy trì biểu giá điện bậc thang, vì ít ra chúng ta cũng nên theo con đường của các nước phát triển trên thế giới".
Ông Dũng cho biết, hiện nhiều quốc gia đang áp dụng biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt theo bậc thang bởi mục tiêu rõ ràng trong tiết kiệm điện, và người sử dụng ít điện được dùng giá thấp hơn. Ngay tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật... họ vẫn duy trì chính sách giá bậc thang để khuyến khích người dân dùng tiết kiệm năng lượng.
Mức độ điện sử dụng bình quân của người dân theo thống kê của EVN đang tăng lên. Năm 2016, bình quân mức dùng điện của hộ tiêu dùng sinh hoạt là 156 kWh một tháng, hiện tăng lên 189 kWh.
"Đời sống người dân cải thiện, họ dùng nhiều thiết bị hơn nên lượng điện sử dụng cũng tăng lên. Cải tiến biểu giá điện theo hướng nào cũng nên duy trì mục tiêu tiết kiệm điện. Bởi điện là nguồn năng lượng không tái tạo, không khuyến khích tiêu dùng", ông cho biết.
Bình luận thêm về phương án một giá điện, đại diện EVN cho rằng, cơ quan quản lý sẽ tính toán để đưa ra phương án hợp lý trên cơ sở giá điện bình quân, và dù với phương án nào, hệ thống kỹ thuật của tập đoàn đều đáp ứng và hỗ trợ. "Quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền ra sao, chúng tôi sẽ tuân thủ", ông nói.
Trong khi đó, ông Hà Đăng Sơn nói "một giá điện là khó khả thi với cơ cấu nguồn điện đang thiếu hiện nay ở Việt Nam". Ông phân tích, Singapore đang áp dụng một giá nhưng với giá bán lẻ rất cao, trên 24 cent một kWh, hay một số bang của Australia đang áp giá 30 cent một kWh (tương đương 4.000 đồng một kWh). "Với mức giá cao như vậy liệu người dân Việt Nam có chịu được không và ngành điện có thể phát triển bền vững được không", ông đặt câu hỏi.
Theo chuyên gia này, giá điện đầu ra được tính toán dựa trên cơ sở giá đầu vào và các chi phí vận hành, quản lý hệ thống. Chính phủ đang khống chế giá đầu ra để đảm bảo an sinh xã hội và các mục tiêu phát triển kinh tế. Và như vậy, một giá điện sẽ khó giúp ngành điện phát triển bền vững, đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội.
Cũng tại toạ đàm, đại diện EVN cho biết kết quả kiểm tra tại 5 tổng công ty điện lực vừa qua cho thấy, có hơn 6.270 trường hợp phải điều chỉnh, xử lý hoá đơn sai, hỏng do ghi sai chỉ số. Trong số này, Tổng công ty Điện lực miền Bắc có số khách hàng phải điều chỉnh hoá đơn nhiều nhất, với 4.345 trường hợp. Sau kiểm tra, rà soát, ngành điện đã truy thu do sai là 1.249 trường hợp và thoái hoàn (ngành điện trả lại tiền cho người dân) 657 trường hợp.
Riêng tháng 6, hơn 63.440 trường hợp khách hàng phản ánh về hoá đơn tiền điện. Quá trình kiểm tra, rà soát, 419 trường hợp trong số này đã phản ánh đúng (tỷ lệ 0,66% số yêu cầu liên quan tới tiền điện).
Nguyên nhân chủ yếu, theo ông Nguyễn Quốc Dũng là sai chỉ số định kỳ, khách hàng báo số sai, nhân viên nhập chỉ số sai...
Các trường hợp ghi sai tại Quảng Bình, Quảng Ninh hay Nghệ An... được báo chí phản ánh về ghi sai chỉ số công tơ, hoá đơn điện tăng vọt, ông Dũng nói là "do lỗi tác nghiệp của công nhân".
Siết lại quy trình kinh doanh ghi chỉ số công tơ điện, Trưởng ban Kinh doanh EVN cho hay, từ đầu tháng 7 tập đoàn này đã bổ sung thêm 2 bước kiểm soát thông qua việc đặt ngưỡng cảnh báo. Khi vượt ngưỡng tăng 30%, thay vì chỉ cảnh báo cho cán bộ ghi chỉ số thì các cấp cao hơn như lãnh đạo đơn vị phải tổ chức kiểm tra, đảm bảo ghi chỉ số này thực hiện đúng quy định.
Danh sách khách hàng bất thường sẽ được gửi đến email của lãnh đạo đơn vị. Trên cơ sở đó kiểm soát việc nhập chỉ số tạm tính, khách hàng báo số quá 2 tháng liên tiếp. Hoặc thông qua trung tâm chăm sóc khách hàng, sẽ chuyển yêu cầu đến lãnh đạo đơn vị chỉ đạo xử lý.
Anh Minh