Đối tác lớn của May Sông Hồng tại Mỹ xin phá sản

RTW Retalwinds, hãng bán lẻ thời trang 102 tuổi tại Mỹ có công nợ hơn 166 tỷ với Công ty May Sông Hồng đệ đơn phá sản đầu tuần này.

Hãng bán lẻ thời trang 102 năm tuổi này chính thức nộp đơn xin phá sản sau nhiều tháng mất cân đối tài chính vì Covid-19. Công ty dự kiến đóng cửa gần hết, thậm chí trường hợp xấu hơn là toàn bộ 400 cửa hàng nằm rải rác 32 bang tại Mỹ.

RTW Retalwinds là công ty đứng sau nhiều thương hiệu như New York & Co, Kate Hudson, Happy x Nature...

Trong hồ sơ xin phá sản, công ty liệt kê tổng tài sản trị giá khoảng 412 triệu USD và nợ xấp xỉ 400 triệu USD. Tình hình hoạt động bắt đầu khó khăn từ năm ngoái, khi doanh số giảm 7% và ghi nhận lỗ ròng xấp xỉ 62 triệu USD. Cao điểm dịch bệnh vào tháng 3 năm nay, công ty phải tạm thời đóng cửa nhiều cửa hàng, dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, RTW Retalwinds là khách hàng truyền thống của Công ty cổ phần May Sông Hồng. Các đơn hàng từ RTW Retalwinds (thông qua thương hiệu New York & Co) năm ngoái đóng góp 13% tổng doanh thu của May Sông Hồng. Những năm trước, con số này lên đến 25%.

Một cửa hàng của New York & Co tại Mỹ.

Một cửa hàng của New York & Co tại Mỹ.

Chiều 16/7, ông Bùi Việt Quang – Tổng giám đốc May Sông Hồng cũng xác nhận đối tác Mỹ đã thông báo phá sản.

"Công ty đang nỗ lực tham gia vào quá trình giải quyết thủ tục phá sản của Toà án Mỹ để thu hồi các khoản phải thu với New York & Co và cập nhật các thông tin về kết quả giải quyết khi có thông báo chính thức", ông Quang viết trong văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.

Đến cuối quý I năm nay, tổng khoản phải thu ngắn hạn của May Sông Hồng là 471 tỷ đồng. Trong đó, New York & Co chiếm 166 tỷ đồng và tăng gần 120 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.

May Sông Hồng hợp tác với RTW Retalwinds theo phương thức FOB, được hiểu là sản xuất theo kiểu mua đứt bán đoạn. Các doanh nghiệp thực hiện hợp đồng sẽ tham gia vào khâu tìm nguồn cung ứng đầu vào hoặc nhập nguyên liệu từ một số đơn vị do đối tác chỉ định. Phương thức này ở bậc cao hơn so với CTM (cut – make – trim: cắt, may và hoàn thiện sản phẩm theo toàn bộ nguyên vật liệu do đối tác cung cấp).

Phương thức FOB đóng góp 60% doanh thu cho May Sông Hồng với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ. Những năm gần đây, công ty cũng dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng FOB để cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp.

Phương Đông

Let's block ads! (Why?)