Mỹ chuẩn bị bước vào một mùa thu với nền kinh tế bấp bênh, nguy cơ suy thoái trở lại vì dịch bệnh tái bùng phát, phong tỏa vừa nới lại siết.
Nhiều tháng qua, các nhà đầu tư, quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump và chuyên gia kinh tế dự đoán, sau khi rơi vào suy thoái trong mùa xuân, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi, tăng tốc vào cuối mùa hè và cất cánh vào mùa thu khi virus rút đi. Các hạn chế về thương mại, tiêu dùng nhờ đó sẽ giảm bớt và tiến tới trạng thái bình thường hơn. Khi việc làm tăng mạnh vào tháng 5 và 6 vừa qua, những dự đoán "màu hồng" càng thêm vững chắc.
Tuy nhiên, New York Times cho biết, sự thất bại trong việc khống chế dịch đã được nhiều chuyên gia xác nhận là đang đe dọa đà phục hồi và đẩy Mỹ trở lại vòng xoáy suy thoái. Điều này có thể gây thiệt hại cho người lao động và doanh nghiệp lớn, trừ khi quốc hội xem xét lại quy mô cứu trợ trong những tháng tới.
Khó khăn đã dần rõ ràng trong tuần này khi các công ty lớn dự báo những tháng ảm đạm phía trước và dữ liệu của chính phủ cho thấy những tín hiệu tiêu cực mới trên thị trường việc làm. Một khảo sát công bố hôm 15/7 cho biết, số người Mỹ có việc làm đã giảm 1,3 triệu so với tuần trước. Theo phân tích mới của Viện Doanh nghiệp Mỹ, hoạt động kinh doanh đã giảm mạnh trong tuần thứ hai của tháng 7, một phần bởi lo lại bùng phát dịch của người tiêu dùng.
Amazon vào thứ tư (15/7) đã gia hạn cho phép làm việc tại nhà với nhân viên đủ điều kiện từ tháng 10 đến tháng 1/2021. Delta Air Lines cho biết hôm thứ ba (14/7) rằng, đã cắt giảm kế hoạch bổ sung các chuyến bay trong tháng 8 và sau đó do nhu cầu thấp.
Các ngân hàng lớn nhất của Mỹ cũng cho biết đang trích lập thêm hàng tỷ USD để dự phòng cho những khoản lỗ dự kiến, bởi khách hàng không có khả năng trả được nợ. Còn theo Jamie Dimon, CEO JPMorgan Chase, phần lớn khó khăn kinh tế đã được giảm bớt nhờ các gói cứu trợ của liên bang nhưng tiền nay đã hết. "Bạn sẽ thấy ảnh hưởng của suy thoái", ông nói.
Một số công ty sử dụng các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ để giữ chân hoặc thuê lại nhân sự nay bắt đầu sa thải người vì các khoản tiền đó cạn kiệt mà hoạt động kinh doanh vẫn bị suy thoái. Trợ cấp thất nghiệp mở rộng cho lao động thất nghiệp, mà các nghiên cứu cho thấy đã thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng trong suốt mùa xuân, đầu mùa hè, dự kiến sẽ hết hạn vào cuối tháng 7. Trong khi đó, hơn 18 triệu người Mỹ tiếp tục tuyên bố thất nghiệp.
Nhiều tiểu bang đã gia hạn các biện pháp cách ly xã hội, bao gồm cả California - nơi các quan chức đã yêu cầu những quán bar trong nhà, nhà hàng, phòng tập thể dục và cơ sở khác đóng cửa. Các sự kiện thể thao của trường đại học, chương trình lưu diễn hòa nhạc đang bắt đầu bị hủy bỏ.
Hầu hết các nhà kinh tế đã từ bỏ hy vọng sự phục hồi hình chữ V. Giờ họ đang cảnh báo về nguy cơ ngược lại, với xu hướng thất nghiệp và kinh doanh khốn đốn. Và lần này, phần lớn thiệt hại có khả năng là vĩnh viễn.
"Chúng tôi cho rằng có thể sẽ phong tỏa lại vào mùa thu này", Karl Smith, Phó chủ tịch Tax Foundation, một hãng nghiên cứu tại Washington, cho biết. Gần đây, ông Smith đã vận động các quan chức chính quyền và thành viên của quốc hội bắt đầu giảm dần trợ cấp 600 USD mỗi tuần cho lao động thất nghiệp, chuyển chi tiêu ngân sách sang ưu đãi thuế.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh hai tuần qua khiến ông đổi quan điểm. Ông đang kêu gọi một gói giải cứu kinh tế lớn khác từ Washington, bao gồm mở rộng các khoản trợ cấp bổ sung cho người thất nghiệp, tăng viện trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và có thể phát tiền thêm một đợt nữa cho các hộ gia đình. Ông nói rằng, nhiều nghị sĩ không thích điều này nhưng nước Mỹ đang có thể sẽ bước vào một mùa thu "khủng khiếp".
Các quan chức chính quyền của Trump đã sẵn sàng đàm phán với đảng Dân chủ về trợ cấp thất nghiệp, viện trợ doanh nghiệp nhỏ và có thể là một đợt phát tiền kích thích tiêu dùng khác, đồng thời thúc đẩy cắt giảm thuế kinh doanh. Tuy nhiên, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện lại muốn cắt đứt hoàn toàn chi tiêu cho đại dịch.
Các doanh nghiệp nhỏ trên khắp đất nước nói rằng, nếu phong tỏa vẫn tồn tại mà không có hỗ trợ tài chính bổ sung từ Quốc hội, họ sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn thảm khốc.
Tại Sonoma Fit, chuỗi ba phòng tập thể dục ở Bắc California, hoạt động kinh doanh đã bắt đầu ổn định lại trong tháng này sau nhiều tuần mất doanh thu. Khách hàng cũ bắt đầu quay lại và có thêm khách mới. Hàng nghìn USD mà Jennifer và Adam Kovacs - chủ sở hữu, đã bỏ ra để đại tu các cơ sở của họ đang được đền đáp.
Đến hôm thứ hai (13/7), một người bạn đã gọi để nói với bà Kovacs rằng thống đốc vừa ra lệnh cho các phòng tập thể dục ở phần lớn Bắc California đóng cửa một lần nữa."Tôi thực sự không thể diễn tả được mức độ sợ hãi, thất vọng và bất lực mà chúng tôi cảm thấy", bà Kovacs nói mỗi lần tắt - bật hoạt động kinh doanh làm tổn thất hàng nghìn USD.
Các cố vấn của ông Trump tiếp tục dự đoán nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong những tháng tới. Tổng thống đã đưa ra những lời kêu gọi mở lại hoàn toàn các trường học vào mùa thu này. Nhiều nhà kinh tế đồng ý rằng, nền kinh tế không thể phục hồi hoàn toàn nếu hàng triệu trẻ nhỏ ở nhà mà không có các lựa chọn chăm sóc khả thi. Tuy nhiên, việc không kiểm soát được virus đã khiến việc mở lại trường học trở thành một sự đánh đổi đầy rủi ro.
"Hàng triệu lao động không thể quay lại làm việc nếu con cái họ không có chỗ an toàn để sinh hoạt vào những ngày trong tuần", Nhà kinh tế Melissa S. Kearney của Đại học Maryland cho biết. Ngay cả với những người lao động có thể làm việc tại nhà, thì năng suất của họ cũng có thể bị ảnh hưởng. "Thật khó để làm việc tại nhà khi bọn trẻ cũng ở nhà", bà nói.
Nhà Trắng, các nhà làm luật ở mọi cấp độ và trường học hiện không thống nhất được quan điểm tiếp cận trong việc làm sao để người Mỹ quay lại làm việc an toàn trong mùa thu này. Cho đến nay, Mỹ có hai lựa chọn để lèo lái nền kinh tế vượt qua đại dịch. Một là dừng các hoạt động thương mại để ngăn virus lây lan. Hai là nhanh chóng gỡ phong tỏa để hoạt động kinh doanh quay lại. Nhưng đến nay, họ không làm triệt để theo cách nào.
Các quan chức ở Florida, Texas và các tiểu bang khác đã bắt đầu mở lại nhanh chóng nền kinh tế vào tháng 5/2020, trong khi tỷ lệ lây nhiễm tại địa phương họ vẫn còn cao và trước cả khi chính phủ liên bang có kế hoạch đảm bảo an toàn cho kinh doanh. Sau đó, sự bùng phát của virus tại miền Đông Nam và Tây Nam đất nước buộc một số thống đốc phải giới hạn lại các hoạt động, như đóng cửa quán bar.
Các nhà hàng, nhà bán lẻ và doanh nghiệp khác đã thích nghi một phần với thực tế mới của cuộc khủng hoảng, thường bằng cách chuyển một số hoạt động ra ngoài trời. Nhưng giờ đây, họ phải chuẩn bị cho ít nhất vài tháng doanh thu bị hạn chế khi thời tiết lạnh hơn.
"Thông thường, tôi là một người rất lạc quan và tôi chưa bao giờ thấy ngành công nghiệp giải trí phải đối mặt với một cuộc vật lộn như bây giờ", Audrey Fix Schaefer, Giám đốc truyền thông cho các địa điểm âm nhạc ở Washington DC, nhận xét. "Đây là một sự tàn khốc", vị này nói.
Phiên An (theo NYT)