Thương mại Hong Kong – Mỹ không thiệt hại nhiều do kim ngạch nhỏ, nhưng niềm tin đi xuống sẽ khiến doanh nghiệp rời đi hoặc giảm hiện diện tại đây.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây ngày một xấu đi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò trung tâm tài chính toàn cầu của Hong Kong. Mới đây nhất, ngày 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tước ưu đãi thương mại của Hong Kong, vốn giúp thành phố này hưởng nhiều đặc quyền từ trước đến nay. "Hong Kong giờ sẽ được đối xử như Trung Quốc đại lục", ông Trump tuyên bố.
Từ nhiều tuần trước, chính phủ Mỹ đã đe dọa thực hiện điều này, khi Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia mới lên Hong Kong. Những người chỉ trích điều luật này cho rằng nó sẽ làm giảm sự tự chủ về pháp lý và chính trị đã tồn tại kể từ khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Sau khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực ngày 1/7, sự lo ngại của các doanh nghiệp và chính trị gia nước ngoài càng tăng. Một số hãng công nghệ đã rút khỏi thị trường này. Nhiều công ty khác thì bày tỏ lo ngại về sự mập mờ và quy mô áp dụng lớn của luật mới. Tờ New York Times (Mỹ) hôm 14/7 đã tuyên bố chuyển bớt nhân viên tại Hong Kong sang Seoul.
Ngoài chấm dứt ưu đãi với Hong Kong, Trump còn ký dự luật cho phép trừng phạt doanh nghiệp và cá nhân được coi là giúp Trung Quốc hạn chế quyền tự chủ của Hong Kong. Simon Lee – giảng viên kinh doanh quốc tế tại đại học CHUK (Hong Kong) nhận định khi không có quyền ưu đãi, "Hong Kong cũng không khác gì những thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh hay Thượng Hải. Doanh nghiệp nước ngoài sẽ nghĩ lại về sự cần thiết phải duy trì quy mô hiện tại ở Hong Kong".
Tác động lên thương mại
Kể từ năm 1992, vị thế đặc biệt của Hong Kong giúp hàng hóa đi qua thành phố này được đối xử khác với Trung Quốc. Ví dụ, trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Hong Kong không phải tuân thủ thuế nhập khẩu mà Washington áp lên hàng hóa Bắc Kinh. Hiện tại, điều đó có thể sẽ không còn nữa.
Dù vậy, kinh tế trưởng Iris Pang tại ING cho biết thương mại trực tiếp của Hong Kong với Mỹ không lớn. Năm 2018, Mỹ nhập khẩu gần 17 tỷ USD hàng hóa, dịch vụ từ Hong Kong, và xuất khẩu 50 tỷ USD vào đây. Con số này khá nhỏ so với kim ngạch song phương gần 740 tỷ USD giữa Mỹ và Trung Quốc năm đó.
Bên cạnh đó, phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Hong Kong (khoảng 99%) là tái xuất. Điều này có nghĩa nếu số hàng trên đến từ Trung Quốc, chúng đã phải chịu thuế nhập khẩu rồi. "Vì thế, trên góc độ thuế nhập khẩu, việc có hay không có ưu đãi đặc biệt cũng không khác nhau nhiều", bà nói.
Thay vào đó, điều đáng quan tâm hơn là quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng xuống cấp. Đầu tuần này, Trump cho biết trên CBS News rằng không hứng thú với việc đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2 với Trung Quốc do vấn đề đại dịch. Nếu chiến tranh thương mại lại nổ ra, kinh tế Hong Kong sẽ ảnh hưởng hơn nhiều so với việc bị tước ưu đãi.
Đòn giáng lên niềm tin doanh nghiệp
Dĩ nhiên, thương mại chỉ là một phần câu chuyện. Vài tháng qua, căng thẳng bùng phát giữa Trung Quốc và phương Tây đã khiến Hong Kong trở thành tâm điểm chú ý.
Thành phố này đã thiệt hại nặng nề vì chiến tranh thương mại, cũng như cuộc biểu tình chống chính quyền kéo dài nhiều tháng, đẩy nền kinh tế vào . Đến đầu năm nay, đại dịch lại bùng phát, chỉ vài tháng trước khi luật an ninh quốc gia được áp dụng.
Các doanh nghiệp nước ngoài đang rất lo lắng về luật mới. Trong một khảo sát công bố đầu tuần này của Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong, hơn 68% doanh nghiệp cho biết họ hiện tại "lo lắng hơn" thời điểm cách đây một tháng. Một công ty còn cho biết luật mới "quy mô quá rộng và có thể áp dụng vào bất kỳ trường hợp nào". Giới chức Hong Kong thì khẳng định luật này là cần thiết trong việc khôi phục niềm tin sau nhiều tháng bất ổn.
Tuần trước, các hãng công nghệ đã bắt đầu giảm quy mô hoặc đánh giá lại hoạt động kinh doanh tại đây. Facebook, Google, Microsoft và Zoom đều cho biết sẽ tạm ngừng thực hiện yêu cầu của chính phủ về việc cung cấp dữ liệu người dùng ở Hong Kong. Trong khi đó, TikTok - ứng dụng của Trung Quốc nhưng có hiện diện lớn tại Mỹ - đã rời thị trường này hoàn toàn.
Mỹ hiện có hơn 1.300 công ty có hoạt động tại Hong Kong. Tính đến năm 2018, FDI của Mỹ vào Hong Hong đã đạt 82,5 tỷ USD. "Các công ty Mỹ đầu tư vào Hong Kong nhờ thành phố này được hưởng ưu đãi thương mại, có vị trí địa lý thuận lợi và nền kinh tế thị trường. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ khiến lợi ích của doanh nghiệp Mỹ suy giảm", Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung nhận định.
Nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn cũng đã được bàn tới. Tuần trước, Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết Mỹ có thể trừng phạt Trung Quốc bằng cách của Hong Kong, nhằm làm yếu đôla Hong Kong. Nhiều quan chức đề xuất hạn chế việc các ngân hàng Hong Kong được mua đôla Mỹ.
Dù vậy, Bloomberg cho biết Trump không thích ý kiến này. Và Cơ quan Quản lý Tiền tệ Hong Kong cũng khẳng định họ có đủ dự trữ để duy trì việc neo tỷ giá. Ý tưởng này không mới, nhưng gần đây được đề cập lại khi vị thế hầm trú ẩn an toàn với doanh nghiệp của Hong Kong bị lung lay.
Dù vậy, Brock Silvers – Giám đốc Đầu tư của Adamas Asset Management cho biết Hong Kong vẫn có thể hưởng lợi từ cơn bão địa chính trị này. Vài tuần gần đây, Hong Kong là điểm đến hấp dẫn với các công ty Trung Quốc lo ngại triển vọng kinh doanh tại Mỹ đi xuống.
"Vai trò của Hong Kong đang dần thay đổi", Silvers nhận xét, "Dù vai trò quốc tế của họ có thể suy giảm theo thời gian nếu các công ty chuyển địa điểm sang Singapore hay nơi khác, Hong Kong nhiều khả năng trở thành trung tâm tài chính cho Trung Quốc".
Hà Thu (theo CNN, Reuters)