Công nghệ phòng ngừa Covid-19 trên máy bay của Boeing

Loại bỏ virus bằng bộ lọc HEPA, lớp phủ kháng khuẩn mới hay khử trùng bằng tia cực tím... là những công nghệ đang được áp dụng và nghiên cứu.

Để ứng phó với ảnh hưởng của Covid-19, Boeing đưa ra cách tiếp cận đa tầng để bảo vệ hành khách di chuyển bằng đường hàng không. Đầu tiên là quy trình và thủ tục: hành khách phải tự kiểm tra sức khỏe; thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và đo thân nhiệt trước khi vào sân bay hoặc lên máy bay. Lớp bảo vệ thứ hai là công tác khử trùng trước khi hành khách lên máy bay. Nhưng hành khách nhiễm bệnh vẫn có thể qua được hai lớp bảo vệ để lên máy bay, do đó nhà sản xuất máy bay này áp dụng công nghệ lọc không khí hiện đại để giảm thiểu xác suất lây nhiễm chéo trong cabin.

Giải thích về luồng không khí trên khoang máy bay, ông Jim Haas, Giám đốc Tiếp thị Sản phẩm của Tập đoàn Boeing tại châu Á, cho biết: "Không khí thổi vào khoang máy bay được lấy từ hai nguồn. Một là nguồn không khí lấy trực tiếp từ bên ngoài. Hai là nguồn không khí đã được sử dụng trong khoang máy bay nhưng được đưa qua bộ lọc HEPA (High Efficiency Particulate Air - Hệ thống lọc không khí hiệu quả cao) để trộn với không khí ở bên ngoài vào và đưa trở lại khoang máy bay".

Lượng không khí ở trong khoang máy bay sẽ được luân chuyển theo tần suất 2 đến 3 phút một lần, cao hơn rất nhiều so với tần suất thay đổi không khí trong các tòa nhà thương mại. Hơn nữa, không khí được lưu thông theo hướng từ trần xuống sàn máy bay, không phải từ trước ra sau, giúp giảm thiểu nguy cơ phát tán virus.

Hệ thống lọc không khí HEPA có khả năng loại bỏ vi khuẩn và virus lên đến 99,9% trước khi đưa không khí trở lại khoang máy bay. Thực tế HEPA thường được sử dụng tại những nơi yêu cầu môi trường sạch sẽ như bệnh viện, các phòng sạch công nghiệp, khu vực cách ly... Theo ông Haas, tập đoàn đã cung cấp HEPA trong hơn 20 năm nay nên chắc chắn rằng những máy bay mà Vietnam Airlines và Vietjet đã mua đều được trang bị hệ thống lọc không khí này.

Công nghệ phòng ngừa Covid-19 trên máy bay của Boeing

Video: Tư liệu.

Bên cạnh đó là công nghệ về lớp phủ các bề mặt kháng khuẩn. "Các chất phủ bề mặt kháng khuẩn có hiệu lực trong vòng 6-10 giờ. Do vậy vi khuẩn và virus rơi xuống các bề mặt đó sẽ bị tiêu diệt trong vòng 6-10 giờ. Dù vậy, lớp phủ này sẽ không thay thế cho hóa chất kháng khuẩn. Thay vào đó, lớp phủ kháng khuẩn và hóa chất kháng khuẩn sẽ phối hợp hoạt động cùng nhau và bổ sung cho nhau", ông Haas lý giải.

Lớp phủ kháng khuẩn không thay thế cho các hóa chất kháng khuẩn. Ảnh: Ngọc Thành.

Lớp phủ kháng khuẩn không thay thế cho các hóa chất kháng khuẩn. Ảnh: Ngọc Thành.

Thực hiện "Sáng kiến Tự tin Du lịch" (Confident Travel Initiative), Boeing đang nghiên cứu công nghệ tia cực tím. Theo đó, những ống tia cực tím công suất lớn được sử dụng để khử trùng các kẽ và ngóc ngách khó tiếp cận tới, ví dụ như kẽ hở trong các hàng ghế hay phòng vệ sinh trên máy bay. Trước hoặc sau khi khách hàng sử dụng phòng vệ sinh, tia cực tím sẽ khử khuẩn các trang thiết bị.

Tuy nhiên, ông Hauss cũng đánh giá: "Việc lắp đặt công nghệ tia cực tím trong phòng vệ sinh sẽ phải chờ vài năm nữa, do cần trải qua quá trình thử nghiệm và cấp phép của các cơ quan quản lý".

"Để đảm bảo sự an toàn cho hành khách di chuyển bằng máy bay, Boeing tích cực hợp tác với các cơ quan trong ngành, tạo thành hệ thống xuyên suốt và liền mạch. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, không ai xem đó là việc riêng của mình và cũng không có sự cạnh tranh. Chúng tôi cũng hợp tác với các nhà sản xuất máy bay khác để cùng đối phó với đại dịch đang diễn ra", ông Haas nói.

Xem thêm:

Phạm Huyền

Let's block ads! (Why?)