'Vũ khí' trừng phạt kinh tế ngày một mạnh của Trung Quốc

Những bên đối đầu với Trung Quốc về thương mại hay vấn đề Hong Kong, Huawei cũng như Covid-19 gần đây đều phải hứng đòn trừng phạt kinh tế.

Không chỉ có quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang xấu đi, Australia cũng đang rơi vào hoàn cảnh đó sau khi Thủ tướng Scott Morrison hồi tháng 4 kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19.

Trung Quốc đã nhanh chóng trả đũa. Nước này lập tức áp thuế 80,5% với lúa mạch, cấm nhập khẩu thịt bò từ bốn lò giết mổ và cảnh báo công dân không đi du lịch Australia. Global Times của Trung Quốc còn gọi Australia là "con chuột túi khổng lồ phục tùng như một con chó của Mỹ".

Làm đất để trồng lúa mạch tại Australia. Ảnh: Bloomberg

Làm đất để trồng lúa mạch tại Australia. Ảnh: Bloomberg

Hai năm trước, thế giới chứng kiến cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng nay, chạm trán đã ở quy mô rộng hơn. Các quốc gia khác cũng lo lắng về việc Trung Quốc theo đuổi sự thống trị công nghệ, phân biệt đối xử thương mại, cùng các quyết định địa chính trị khác. Năm nay, lo lắng gia tăng khi Trung Quốc bị cáo buộc chậm công bố thông tin về Covid-19 và thông qua luật an ninh mới cho Hong Kong.

Trong một bài báo gần đây, Richard McGregor, một chuyên gia về Trung Quốc tại Học viện Lowy (Australia), nói rằng Trung Quốc đã sử dụng quyền tiếp cận vào thị trường của họ để thực hiện các chính sách đối ngoại từ lâu. "Sự khác biệt bây giờ là Trung Quốc nắm giữ quyền lực kinh tế thực sự", ông viết, "Các nước khác không sợ lệnh trừng phạt của Trung Quốc vào những năm 1950. Giờ thì họ sợ".

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để trả đũa Na Uy sau khi Ủy ban Nobel, trụ sở tại Na Uy, trao giải Nobel Hòa bình cho một nhà bất đồng chính kiến. Các quốc gia khác cũng chịu trừng phạt tương tự. Có thể kể đến như Mông Cổ vì đã tổ chức một chuyến viếng thăm cho nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong - Đức Đạt Lai Lạt Ma; Hàn Quốc vì lắp hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ; và Canada vì đã bắt giữ một giám đốc điều hành Huawei theo yêu cầu của Mỹ.

Tờ Wall Street Journal cho rằng, Trung Quốc còn có chiến thuật gây "bất hòa" giữa các nước vốn chung mặt trận. Thậm chí, nhờ cách tiếp cận thương mại đơn phương của chính quyền Trump, Trung Quốc còn thực hiện dễ dàng hơn.

Ví dụ, trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã tăng thuế đối với tôm hùm từ Maine (Mỹ), và giảm thuế đối với tôm hùm từ Canada. Australia thì lo ngại Hiệp định thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 sẽ chuyển các giao dịch mua nông sản của Trung Quốc từ nước này sang Mỹ. Đúng như vậy, Trung Quốc đang hạn chế nhập khẩu lúa mạch từ Australia, và mở cửa nhập khẩu lúa mạch từ Mỹ.

Tuy nhiên, chiến thuật của Trung Quốc vẫn có thể không đủ sức mạnh và khả năng bị phản tác dụng. Đến nay, Australia vẫn chưa nhượng bộ. Việc giam giữ hai công dân Canada và các biện pháp trừng phạt kinh tế đã không giúp bà Mạnh Vãn Chu của Huawei được phóng thích. Thậm chí, dư luận Canada lại bất bình hơn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn miễn cưỡng đẩy Trung Quốc ra xa, một phần vì nước này không muốn ông Trump áp thuế ôtô Đức, theo ông Thorsten Benner, Giám đốc Viện Chính sách công toàn cầu, trụ sở tại Berlin. Cùng với đó, bà Merkel còn phải đối mặt với áp lực từ Norbert Roettgen, một nhà lập pháp có ảnh hưởng và là người theo đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, muốn loại Huawei khỏi các mạng viễn thông Đức.

Tương tự, Anh đang cân nhắc xem có nên loại Huawei Technologies khỏi mạng viễn thông 5G hay không. Nhật Bản trợ cấp cho các công ty định hình lại chuỗi cung ứng, thoát khỏi Trung Quốc. Liên minh châu Âu thì mới dừng ở mức đánh thuế đối với các công ty được Trung Quốc trợ cấp, nhưng đặt trụ sở bên ngoài Trung Quốc.

Tháng này, một liên minh nghị viện về Trung Quốc vừa được thành lập, tập hợp các nhà lập pháp hoài nghi Trung Quốc từ hơn 10 quốc gia. Các thành viên tiêu biểu bao gồm, đảng Lao động và đảng Bảo thủ của Anh, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và đảng Xanh của Đức, đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ.

Đây là tin tức đáng hoan nghênh cho chính quyền Trump, vốn từ lâu đã tìm cách tập hợp các đồng minh của mình để giúp kiềm chế tham vọng quân sự và công nghệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, những gì thể hiện cho đến nay không phải là một liên minh do Mỹ lãnh đạo mà là các hành động riêng của từng quốc gia.

Nhưng dù thế nào đi nữa, không có đồng minh nào của Mỹ muốn rời khỏi hoặc cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Thậm chí, với hầu hết nền kinh tế của họ, Trung Quốc quan trọng hơn Mỹ. Tuy nhiên, các nước cũng không muốn để Trung Quốc chi phối hoàn toàn. Điều này lại khiến họ liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ, bất kể ai là tổng thống.

Trung Quốc cũng không muốn tách rời. Họ cần có kiến thức, sản phẩm và các thị trường khác. Thách thức là hòa giải các mối quan hệ thương mại đối với hành vi mà các quốc gia khác tin rằng đang gây bất ổn trật tự toàn cầu. "Trung Quốc phải cẩn thận đến việc áp các biện pháp trừng phạt. Họ không muốn làm tổn hại đến nền kinh tế của chính mình", ông McGregor bình luận. "Tuy nhiên, họ đang chiến đấu trên tất cả mặt trận và dường như họ có thể thắng thế".

Phiên An (theo WSJ)

Let's block ads! (Why?)