Vì sao số điện tăng gấp đôi, tiền phải trả lại gấp ba?

Biểu giá điện bậc thang chưa hợp lý đang được xem là "thủ phạm" khiến hoá đơn "nhảy" nhiều lần so với tốc độ tăng của số điện tiêu thụ.

Biểu giá lẻ điện sinh hoạt hiện được thiết kế theo bậc thang với 6 bậc, trên cơ sở mức giá bình quân 1.864,44 đồng một kWh.

Tháng 6, gia đình anh Như (Hà Nội) phải trả hơn 4,5 triệu đồng cho 1.526 kWh, trong khi hoá đơn tháng 5 là hơn 1 triệu đồng cho 423 kWh. Như vậy, mức dùng điện của gia đình tăng hơn ba lần, nhưng số tiền phải trả lại gấp 4 so với tháng trước.

Chia sẻ với VnExpress, đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, tiền điện hộ gia đình tăng trong đợt nắng nóng vừa qua có thể do việc nhảy bậc thang khi mức tiêu thụ tăng. Bởi theo cách tính giá điện hiện hành, tiêu thụ từ 400 kWh trở lên sẽ bị tính đơn giá tối đa 2.927 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Với cách tính này, 1.126 kWh anh Như phải trả ở bậc giá cao nhất 2.927 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), với số tiền gần 3,3 triệu đồng. Hoá đơn điện nhà anh Như được tính theo biểu giá điện bậc thang như sau:

Bậc Đơn giá (đồng/kWh) Sản lượng (kWh) Thành tiền (đồng)
1 (0-50 kWh) 1.678 50 75.500
2 (51-100 kWh) 1.734 50 78.050
3 (101-200 kWh) 2.014 100 181.300
4 (201-300 kWh) 2.536 100 228.200
5 (301-400 kWh) 2.834 100 283.400
6 (401 kWh trở lên) 2.927 1126 3.295.802
Tiền điện (đồng) 4.142.252
Thuế VAT (đồng) 414.226
Tổng tiền phải trả (đồng) 4.556.477

Ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội thẩm định giá nhận xét, biểu giá bán lẻ sinh hoạt 6 bậc thang hiện nay có giãn cách về giá giữa các bậc chưa hợp lý. Chẳng hạn, bậc 1 là 1 lần, bậc 2 là 1,03 lần; bậc 4 là 1,26 lần; bậc 5 là 1,12 và bậc 6 là 1,03 lần.

Ngoài ra, ở mỗi bậc thang thì người dùng điện chỉ được hưởng một định mức khống chế tính giá nhất định, gắn với mức giá từng bậc. Bậc giá thấp thì định mức tiêu dùng điện thấp, bậc có định mức tiêu thụ cao hơn giá sẽ cao hơn.

"Chỉ cần tăng sử dụng lên một bậc giá, tổng số tiền điện sẽ tăng nhanh hơn so với tốc độ dùng điện", ông nói và nhấn mạnh bất cập này cần được sửa đổi để phù hợp với mức sử dụng của đại bộ phận người dân.

Vì sao số điện tăng gấp đôi, tiền phải trả lại gấp ba?

Nhiều ý kiến cho rằng nên áp dụng một giá điện để việc tính toán dễ hiểu, không phức tạp. Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính, năng lượng cho rằng không nên vì không phù hợp với Việt Nam lúc này.

Chuyên gia Ngô Văn Tuyển phân tích, giả sử áp một giá điện và lấy giá theo bậc 3 hiện tại (2.014 đồng một kWh), người dùng từ 200 kWh trở xuống sẽ bị thiệt, người dùng từ 300kWh trở lên có lợi. Nếu áp giá bậc 4 (2.536 đồng một kWh) thì phải dùng từ 1.000 kWh trở lên mới có lợi. Còn áp giá từ bậc 5 trở lên tất cả đều thiệt và thiệt nhất là người nghèo, người dùng ít điện.

Ông cũng dẫn số liệu thống kê 2018 cho thấy, 87% số hộ tiêu thụ không quá 300 kWh một tháng chiếm 60% sản lượng điện tiêu thụ. Chỉ 13% số hộ dùng điện mức trên 300 kWh nhưng chiếm 40% sản lượng điện.

"87% số hộ là người nghèo hoặc có ý thức tiết kiệm sẽ gánh toàn bộ phần được hưởng lợi của 13% số hộ là người giàu hoặc người dùng hoang phí so với cách tính hiện nay. Đương nhiên người dùng nhiều cũng có quyền đòi hỏi bình đẳng về giá, nhưng điện lại là thứ không khuyến khích tiêu dùng", ông Tuyển nói.

Hiện, ngoài một số nước cũng áp dụng giá bán điện một bậc như Singapore, còn lại phần lớn đều sử dụng giá điện bậc thang. Với Việt Nam, TS. Bùi Xuân Hồi nhận xét, biểu giá điện theo bậc thang là hợp lý với bối cảnh thị trường điện Việt Nam hiện nay.

Ông Nguyễn Tiến Thoả nói, nếu một đơn giá, nhược điểm lớn là người dân phải trả giá "cào bằng", không khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm trong khi điện không phải là tài nguyên vô tận, đang được sản xuất chủ yếu từ các nguồn tài nguyên không tái tạo. Giá điện đồng giá chỉ được áp dụng khi thị trường điện bán lẻ hình thành. Dự kiến tới năm 2025, Việt Nam mới có thị trường này.

Giữa năm 2018, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo hướng rút gọn từ 6 bậc về 5 bậc. Nhưng do ảnh hưởng Covid-19 nên việc trình phương án lên cấp có thẩm quyền được . Và cho đến nay phương án cuối cùng vẫn chưa được bộ này trình cấp có thẩm quyền.

Bậc Mức tiêu thụ điện Giá (đồng/kWh)
1 0-100 kWh 1.549
2 101-200 kWh 1.858
3 201-400 kWh 2.340
4 401-700 kWh 2.701
5 701 kWh trở lên 3.105

Như vậy, với phương án đang được lấy ý kiến từ đầu năm nay này, bậc 1 và 2 hiện hành sẽ gộp thành một bậc 0-100 kWh với đơn giá 1.549 đồng một kWh; bậc 2 là 101-200 kWh giá 1.858 đồng một kWh...

Bộ Công Thương lập luận rằng, giảm về 5 bậc thang giá điện đảm bảo cho khoảng hơn 92% tổng số hộ có mức tiêu dùng điện dưới 700 kWh không tăng hoặc giảm tiền điện. Trường hợp hộ dùng điện từ 701 kWh trở lên, tiền điện một tháng phải trả thêm là 29.000 đồng, và có khoảng 0,5 triệu hộ trong diện này, chiếm 1,8%.

Mặt khác, số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách (cho 100 kWh điện đầu tiên) không thay đổi so với hiện hành. Bộ này cũng cho rằng, mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và cuối là 2 lần.

Việc "gút" từ 6 xuống 5 bậc, theo TS. Bùi Xuân Hồi (Bộ môn Kinh tế năng lượng, Đại học Bách Khoa Hà Nội) sẽ phản ánh sát hơn thực tế sử dụng điện của các nhóm khách hàng.

Theo ông, khó có biểu giá nào thoả mãn tất cả các điều kiện, sẽ có ưu và nhược điểm. Nhưng với phương án 5 bậc thang, hộ tiêu dùng bậc 101-200 kWh một tháng chịu tác động ít nhất và việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp với đặc điểm tiêu dùng hiện nay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Thoả góp ý, biểu giá dự kiến cải tiến vẫn cần xem xét lại bước nhảy giữa các bậc cho phù hợp hơn. Ông đơn cử có thể gộp 2 bậc từ 0-100 và 210-400, đảm bảo cho tốc độ tăng về lượng cao hơn về giá, tránh vào mùa nóng số điện "nhảy vọt".

Dự kiến biểu giá điện mới được trình Thủ tướng vào quý III năm nay.

Anh Minh

Let's block ads! (Why?)