Phi công học lái xe tải, sửa bể bơi mùa dịch

Không thể lái máy bay vì Covid-19, nhiều phi công tại Mỹ và Anh phải tìm đủ việc làm thêm để có thu nhập.

Điều khiển những chiếc máy bay có giá hàng trăm triệu USD từng là công việc mơ ước của nhiều người và cơ hội việc làm cũng không thiếu. Năm ngoái, Boeing ước tính các hãng hàng không sẽ cần thêm 800.000 phi công trong 20 năm tới, để đáp ứng sự bùng nổ nhu cầu du lịch của châu Á. Một số hãng bay Trung Quốc còn đưa ra mức lương hơn 300.000 USD một năm, đi kèm các đặc quyền để tuyển phi công kinh nghiệm.

Tuy nhiên, Covid-19 đột ngột ập tới, khiến các đường bay quốc tế phải tạm dừng và 51% phi cơ toàn cầu xếp xó. Trong khi chờ đợi ngày quay trở lại buồng lái, các phi công tạm thời duy trì thu nhập bằng muôn kiểu công việc khác nhau, đôi khi khá "kỳ quặc".

Một số phi công Mỹ đang làm việc tại các siêu thị. Những người khác làm tại các công ty điện thoại. Có người còn học thêm bằng lái xe tải hoặc làm việc trong ngành dịch vụ tài chính. Nhiều người nhận ra những nghề tay trái họ làm bấy lâu giờ lại trở thành nguồn thu nhập chính.

"Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giải quyết vấn đề và bảo vệ gia đình", Chris Riggins, một phi công của Delta Air Lines và là người phát ngôn của Hiệp hội Phi công quốc tế (ALPA) cho biết, "Điều đó có nghĩa nếu cần làm việc trong cửa hàng tạp hóa, phi công cũng chấp nhận".

Richard Garner, phi công của Qantas Airways. Ảnh: Bloomberg

Richard Garner, phi công của Qantas Airways. Ảnh: Bloomberg

Hai năm trước, Richard Garner (43 tuổi), phi công của Qantas Airways thành lập một công ty tư vấn tài chính, sắp xếp các khoản vay cho nhân viên hàng không. Anh chưa bao giờ nghĩ đó là một nghề chính. Garner lái chiếc máy bay đầu tiên  ở tuổi 14 và không bao giờ muốn làm bất cứ điều gì khác. Cho đến tháng 3/2020, anh vẫn còn lái chiếc Airbus A330 chặng Australia - châu Á. Nhưng sau đó, Qantas cho tạm nghỉ hai phần ba trong số 30.000 nhân viên, bao gồm cả Garner.

Bây giờ, công ty tư vấn tài chính trở thành sinh kế chủ lực của anh. "Đó không phải là điều tôi thực sự muốn. Nhưng khi cuộc đời ném cho bạn quả chanh, hãy làm một ly nước chanh. Chẳng phải mọi người hay nói thế sao?", anh giải thích

Các chuyến bay nội địa đang bắt đầu cất cánh trở lại ở nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Mỹ - hai thị trường hàng không lớn nhất thế giới. American Airlines đã tăng 74% lịch trình tháng 7 so với tháng 6, nhưng công suất vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Dù bay nội địa dần phục hồi giúp các phi công bớt thất nghiệp, số chuyến bay trên toàn cầu hiện vẫn ít hơn hai phần ba so với năm ngoái, theo công ty dõi chuyến bay Aviation Worldwide. Tính đến 8/6, số chuyến bay ở Tây Âu, Mỹ Latinh và Nam Á thấp hơn 70% so với thời điểm trước đại dịch.

Hiện chưa rõ khi nào ngành hàng không sẽ phục hồi hoàn toàn. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, các hãng hàng không trên thế giới dự kiến lỗ 84,3 tỷ USD và giảm 50% doanh thu trong năm nay. Cathay Pacific Airways tuần trước cho biết cần huy động 39 tỷ đôla Hong Kong từ chính phủ và các cổ đông để tránh sụp đổ.

Điều này chỉ ra một tương lai ảm đạm cho sự nghiệp các phi công. Trong đó có rất nhiều người đã yêu máy bay từ bé. "Không ai bước vào nghề này một cách tình cờ", Robert Bor - một lãnh đạo tại Trung tâm Tâm lý Hàng không - công ty giúp sàng lọc phi công cho nhiều hãng bay Anh cho biết, "Đây là nghề hấp dẫn những người tận tâm, đam mê và đôi khi là ám ảnh".

Tại Leeds (Anh), Dave Fielding mơ ước lái máy bay chiến đấu kể từ khi nhận được một chiếc máy bay đồ chơi lúc lên 7. Nhưng khi phát hiện ra mình dễ bị say máy bay, ông từ giã ước mơ lái máy bay chiến đấu để chuyển sang lái máy bay thương mại. Ở tuổi 53, ông đã là cơ trưởng của British Airways gần 30 năm.

Tuy nhiên, Fielding đã không lái máy bay vài tháng nay và kịch bản tốt nhất cũng vẫn là phải đợi thêm vài tháng. Với hỗ trợ của chính phủ, các hãng hàng không Anh có thể bắt đầu cho phi công làm việc bán thời gian trở lại từ tháng 7. Nhưng một số người vẫn sẽ chờ ít nhất đến tháng 10 hoặc lâu hơn. British Airways đặt mục tiêu cắt giảm 2.000 việc làm, bắt đầu bằng việc nghỉ hưu tự nguyện.

Cơ trưởng Dave Fielding là một trong những người giúp phát triển dự án Wingman. Ảnh: Bloomberg

Cơ trưởng Dave Fielding là một trong những người giúp phát triển dự án Wingman. Ảnh: Bloomberg

Gần đây, Fielding và một số đồng nghiệp tham gia vào dự án Wingman, quy tụ hơn 5.000 tình nguyện viên phi hành đoàn. Dự án này phân bổ đội ngũ đi phục vụ phòng chờ bệnh viện, pha trà, cà phê và đồ ăn nhẹ cho các nhân viên y tế tại 50 cơ sở.

Fielding nói nhân viên hàng không được khuyến khích tham gia vào nhiều công việc trong bệnh viện. "Nếu nói Covid-19 đã dạy chúng tôi điều gì, đó là một thế giới mới", ông nói, "Dự án này đã mở ra cơ hội cho các tình nguyện viên".

Trên một cộng đồng của các phi công có tên Professional Pilots Rumour Network, nhiều người đã chia sẻ về công việc mới của mình. Một phi công lái Boeing 737 than thở rằng việc xếp hàng siêu thị có thu nhập chẳng thấm tháp gì với số nợ 60.000-70.000 USD của anh. Trong khi đó, một phi công lái Airbus A320 nói rằng anh đang làm công việc bảo mật bán thời gian, với thu nhập cả tuần chỉ bằng lái máy bay nửa ngày. Một người khác còn chấp nhận việc nặng nhọc hơn như đi sửa chữa và lắp đặt bể bơi.

Một tiếp viên hàng không phục vụ nhân viên y tế tại Bệnh viện Whittington. Ảnh: Bloomberg

Một tiếp viên hàng không phục vụ nhân viên y tế tại Bệnh viện Whittington. Ảnh: Bloomberg

Tất cả có thể chỉ là tạm thời. Boeing chỉ ra rằng nhu cầu của hành khách sẽ tăng dần đều sau các biến cố. Các sự kiện như dịch SARS năm 2003, khủng bố 11/9 năm 2001 và khủng hoảng tài chính là ví dụ.

Điều tương tự cũng sẽ đến nếu Covid-19 hạ nhiệt. Boeing cho biết trong một tuyên bố. Về lâu dài, nhu cầu đi lại và vận tải hàng không vẫn tăng nên các phi công và kỹ thuật viên vẫn sẽ có việc làm.

Còn trong ngắn hạn, các hãng hàng không lớn của Mỹ như Delta và United Airlines vẫn cần cắt giảm khoảng 20% số phi công, theo báo cáo ngày 3/6 từ Cowen and Co. Hai hãng này cắt giảm từ 11.000 đến 13.000 nhân sự trong tất cả công việc, ưu tiên sắp xếp thông qua nghỉ hưu sớm.

Theo nhà phân tích Helene Becker của Cowen and Co, các hãng sẽ không sa thải trước ngày 30/9, tuân thủ yêu cầu trong điều khoản viện trợ của chính phủ. Vì vậy, nhiều người trong ngành đang chờ đợi ngày 1/10 trong "sợ hãi".

Các hãng hàng không trên toàn thế giới đã lên kế hoạch loại bỏ hàng chục ngàn lao động để bảo toàn tiền mặt cho quá trình phục hồi kéo dài nhiều năm. Deutsche Lufthansa cho biết có thể dư thừa 22.000 lao động, Alitalia cũng dư hơn 6.800. Emirates, hãng bay đường dài lớn nhất thế giới, đang xem xét cắt giảm khoảng 30.000 nhân viên.

Delta đang cân nhắc gói nghỉ hưu sớm. Phi công đủ điều kiện sẽ nhận một khoản thu nhập và phúc lợi cho đến khị họ đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 65. American Airlines, Southwest Airlines và JetBlue Airways Corp cũng đưa ra các loại ưu đãi tương tự.

Mark Charman - nhà sáng lập kiêm CEO hãng cho thuê phi công Goose Recruitment cho rằng bBiến động này có thể khiến máy bay rơi vào tay các phi công ít kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các phi công kỳ cựu còn phải ra đi vì khủng hoảng, thì những người mới cũng ngại nhảy vào. Nhất là khi họ thường phải tốn 150.000 USD để trải qua quá trình học tập để đủ điều kiện bay thương mại.

"Việc chảy máu chất xám và thiết hụt nhân tài mới sẽ khiến thị trường thiếu hụt kỹ năng trong tương lai", Charman nói, "Phi công không còn là nghề hấp dẫn như xưa".

Phiên An (theo Bloomberg)

Let's block ads! (Why?)