Nỗi ám ảnh của những người từng leo Everest

NepalCảm giác háo hức ban đầu của Becker tan biến, đặc biệt sau khi anh bước ngang qua những xác người đóng băng trên đỉnh Everest.

Trong mùa leo núi năm ngoái, tháng 5/2019, 11 nhà leo núi đã tử vong khi đang trong hành trình chinh phục Everest - nơi được mệnh danh nóc nhà thế giới. Với con số này, 2019 là mùa leo núi nguy hiểm, chết chóc nhất. 

Mọi việc chỉ thực sự bùng nổ và gây ám ảnh mạnh khi bức ảnh chụp lại cảnh tượng hàng trăm người leo núi xếp hàng để được đứng lên đỉnh Everest vào ngày 22/5/2019 được đăng tải trên mạng. Tác giả chụp bức ảnh đó là Nirmal Purja, khi đó 36 tuổi và từng phục vụ trong Hải quân Hoàng Gia Anh.

Purja từng chinh phục nóc nhà thế giới 4 lần, và năm 2020, nếu không vì đại dịch, anh sẽ lại tiếp tục hành trình leo núi lần thứ 5 của mình. Ảnh: AFP.

Purja từng chinh phục nóc nhà thế giới 4 lần, và năm 2020, nếu không vì đại dịch, anh sẽ lại tiếp tục hành trình leo núi lần thứ 5 của mình. Ảnh: AFP.

Nhớ lại thời điểm khủng hoảng và đáng sợ của ngày hôm đó, Purja cho biết thời tiết vào đầu mùa leo núi xấu, thời gian cho những người leo cũng hẹp lại. Họ thường chỉ có 3 ngày trời trong, quang đãng để thực hiện mơ ước của mình. Nhưng năm trước đó, con số đó là 11 ngày. Do vậy, năm 2019, các công ty tổ chức tour leo Everest đã tăng số lượng người đăng ký. Ban đầu, Purja cũng dự đoán số người leo năm 2019 sẽ nhiều hơn mọi khi. Nhưng đến lúc nhìn hàng dài chờ đợi, anh vẫn bị bất ngờ. Và anh quyết định chụp lại bức ảnh về hàng người đó, đăng lên Instagram với mục đích giải thích cho các nhà tài trợ và người ủng hộ mình về lý do khiến anh bị chậm lại. 

Trong bức ảnh, hàng trăm người cùng bám vào một sợi dây an toàn, nhích từng bước một lên lối mòn duy nhất. Do thời tiết xấu, địa hình hiểm trở và lại có quá nhiều người nên ai cũng phải đợi nhiều tiếng liền trong gió lạnh. Nhiều người bắt đầu mất kiểm soát, một số người gục xuống vì kiệt sức, nhiều người thiếu oxy trong cái lạnh -30 độ C. "Đó là nơi tồi tệ nhất thế giới để bị mắc kẹt lại", Purja nói.

Bức ảnh hàng dài người leo núi xếp hàng để lên đỉnh Everest được Purja chụp lại và đăng trên Instagram. Ảnh: Guardian.

Bức ảnh hàng dài người leo núi xếp hàng để lên đỉnh Everest được Purja chụp lại và đăng trên Instagram. Ảnh: Guardian.

Nhìn dòng người xếp hàng dài chờ đợi, Purja cũng sớm nhận ra rằng đường đi quá hẹp để anh hay bất kỳ ai có thể vượt lên trước những người leo chậm để rút ngắn thời gian lên đỉnh. Phía sau anh, vẫn là một hàng dài người chờ đợi nữa và con số này ngày một tăng hơn. 

Purja cũng nhận ra đoàn người xếp hàng dài trên Hillary Step, một mặt đá gần như thẳng đứng gần đỉnh. Đây là điều rất nguy hiểm vì người leo núi có thể rơi xuống từ độ cao 3.000 m ở bên phải, hoặc 2.400 m ở bên trái. Và vì quá đông, ai cũng phải đợi lâu trong điều kiện khắc nghiệt nên cơ thể của họ trở nên lạnh hơn. Mọi người có thể sẽ phải dùng hết oxy dự phòng và không có nguồn cung thay thế. Hàng trăm con người đang ở trên độ cao hơn 8.000 m, cố gắng hoàn thành mơ ước chinh phục Everest. Nhưng họ cũng đang ở trong ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Purja cố gắng suy nghĩ phương pháp có thể hỗ trợ mọi người. Với kinh nghiệm từng chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất của mình, anh biết tình hình có thể diễn biến xấu đi, và mọi thứ có thể biến thành thảm họa. Do mệt mỏi, nhiều người bắt đầu cáu gắt. Nhiều người la ó và hầu như ai cũng muốn chen lên trước người khác để sớm lên đến đỉnh, kết thúc hành trình và quay về. 

Thomas Becker dạy luật ở đại học Harvard, Mỹ. Ảnh: Thomas Becker/SCMP.

Thomas Becker dạy luật ở đại học Harvard, Mỹ. Ảnh: Thomas Becker/SCMP.

Do đó, với kinh nghiệm leo núi và phục vụ trong quân đội dày dạn của mình, Purja đã dành ra hai tiếng để quản lý hàng dài những người chờ đợi, hướng dẫn và giúp đỡ họ. Anh nhận ra rằng, càng trong khủng hoảng, con người cần phải bình tĩnh. "Thay vì tranh cãi về việc xem ai sẽ đi lên trước, sẽ tốt hơn nếu mọi thứ được quản lý một cách có hệ thống", Purja nói. Mọi người đều cảm thấy rất vui khi được Purja hỗ trợ

Ở một chỗ khác, hướng dẫn viên người Nepal đang gặp khó khăn khi thuyết phục khách hàng của mình cần quay lại. Đó là cuộc tranh cãi gay gắt, khi những du khách đó dường như không muốn xuống. Họ đã tốn nhiều công sức, tiền của và không muốn bỏ giữa chừng. Purja hiểu điều đó.

Cùng chứng kiến và vượt qua khủng hoảng vì chờ đợi lên đỉnh của ngày hôm ấy giống Purja là nhà leo núi kỳ cựu người Mỹ Thomas Becker. Một năm sau, Becker vẫn nhớ rõ tình huống tồi tệ này. Anh vẫn còn nhớ rõ một người phụ nữ đứng xếp hàng sau mình vật lộn vất vả như thế nào vì thiếu kinh nghiệm. Sau dưới nữa là những người leo núi nóng nảy, bắt đầu chửi thề.

Khi tiến gần đến đỉnh, cảm giác háo hức ban đầu của Becker dường như tan biến, đặc biệt sau khi anh bước ngang qua những xác chết. Ít nhất, anh đã trông thấy 5 - 6 thi thể. "Có những người nằm chắn con đường bạn đang đi, bị đóng băng. Và bạn buộc phải bước qua họ để đi tiếp", anh nói.

Giải thích về số người chết kỷ lục của năm 2019, các nhà leo núi cho rằng việc xếp hàng chờ lâu để lên đỉnh không phải nguyên nhân chính. Lý do nằm ở việc ngày càng có nhiều người trẻ coi thường sự nguy hiểm ở Everest. Họ nghĩ rằng đó là nơi để check-in, để khoe với bạn bè và đổ xô đi đăng ký. Điều đó dẫn đến sự phát triển như nấm mọc sau mưa của các công ty tour sẵn sàng nhận tiền của khách, mà bỏ qua các quy định về sự an toàn.

Nhiều người đăng ký nói rằng, họ thậm chí còn chưa bao giờ leo núi. Điều quan tâm duy nhất của họ không phải rèn luyện thể lực để đối phó với những khắc nghiệt khi leo núi, mà chỉ là "giá tour có giảm được không".

Mùa leo núi năm nay không diễn ra vì ảnh hưởng của đại dịch. Và khi nóc nhà thế giới buộc bị đóng cửa, nhiều người đã có thêm thời gian để nhìn lại và suy ngẫm về những điều đã xảy ra trong mùa leo núi chết chóc của năm trước. Với Purja, đó là mong ước vào mùa leo núi sang năm, du khách vẫn trở lại nơi này để góp phần khôi phục kinh tế địa phương. Tuy nhiên anh hy vọng đó sẽ là một mùa leo núi bớt hỗn loạn.

Anh Minh (Theo SCMP)

Let's block ads! (Why?)