Khách sạn ồ ạt trả mặt bằng

TP HCMChưa biết khi nào khách quốc tế quay trở lại, hàng loạt nhà đầu tư khách sạn không thể tiếp tục trả phí thuê nên phải trả mặt bằng.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết, trong tháng 6/2020, khách quốc tế mới đến thành phố là 0 lượt, giảm 100% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều khách sạn ở trung tâm, vốn dựa vào thị trường nước ngoài, đóng cửa từ nhiều tháng qua chờ ngày khách quốc tế quay lại. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, việc tiếp tục duy trì tiền thuê mặt bằng là bất khả thi, nên hàng loạt khách sạn trả mặt bằng, cắt lỗ và rút khỏi thị trường.

Dịch Covid-19 khiến hàng loạt nhà đầu tư khách sạn buộc phải dừng hẳn việc kinh doanh khách sạn, trả lại mặt bằng để đảm bảo nguồn vốn hoặc chuyển hướng đầu tư. Ảnh: Nguyễn Nam.

Khách sạn Em & Em (2 sao) nằm trên đường Bùi Thị Xuân, Quận 1 phải đóng cửa, trả mặt bằng vì không thể cầm cự nổi do ảnh hưởng của Covid-19. Hiện chủ khách sạn cho dọn đồ để trả mặt bằng vào cuối tháng 6. Ảnh: Nguyễn Nam.

"Với tình hình dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp trên thế giới. Chính phủ Việt Nam cũng chưa cho phép mở cửa để đón khách quốc tế trở lại. Hoạt động kinh doanh khách sạn sẽ không biết đến lúc nào mới có thể hồi phục.Vì thế, chúng tôi muốn cho thuê lại mặt bằng để lấy vốn đầu tư vào hoạt động khác", ông Thảo, chủ khách sạn Hà Trang, nói. Đây là khách sạn thuộc quản lý của gia đình, thuê với giá 5.000 USD/tháng trong năm đầu tiên và từ năm sau, giá thuê sẽ tăng lên 20%. 

Tương tự, một nhà đầu tư khách sạn tại đường Phạm Ngũ Lão, Quận 1 cũng quyết định ngừng kinh doanh, trả lại mặt bằng khi không thể duy trì doanh thu để mỗi tháng trả chi phí khoảng 8.000 USD, chưa kể lương cho nhân sự. Theo bà Hoàng, chủ nhà cho thuê mặt bằng kinh doanh khách sạn này, đường Phạm Ngũ Lão luôn tấp nập khách lưu trú vì nằm ngay khu phố Tây. Nhưng khi dịch bệnh xảy ra, không đón được khách du lịch quốc tế, hoạt động kinh doanh nơi lưu trú cũng vì thế khó khăn hơn.

Anh Vũ, một chủ nhà khác, nhận định không có chủ đầu tư khách sạn nào có thể hoạt động nổi trong Covid-19 vì lượng khách du lịch không có, nguồn vốn lại không quá nhiều. Trong khi đó, chi phí nhân sự và tiền thuê mặt bằng khá cao. Chính người thuê nhà của anh cũng không đủ nguồn tài chính để chi trả mỗi tháng 7.500 USD, buộc phải dừng hoạt động và trả lại mặt bằng từ tháng 4/2020.

"Nếu để thuê thời điểm này, hãy chuyển hướng đến việc làm văn phòng công ty hoặc mở cơ sở thẩm mỹ, spa sẽ hợp lý và bền lâu hơn kinh doanh khách sạn", anh Vũ bày tỏ.

Nhiều chủ khách sạn cho biết, vẫn chưa xác định được thời gian nào có thể đón khách quốc tế trở lại vì tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn phức tạp. Thị trường du lịch nội địa đã ấm lên nhiều nhưng các khách sạn phân khúc ít sao vẫn rất khó để cạnh tranh. Vì thế, nhiều chủ đầu tư quyết định trả mặt bằng, rút vốn và chuyển hướng kinh doanh. Trong ảnh là một khách sạn ở khu vực trung tâm TP HCM đang cho thuê với giá 5.000USD/tháng trong năm đầu tiên. Năm sau, giá thuê sẽ được tăng 20%. Ảnh được chụp trưa ngày 26/6. Ảnh: Nguyễn Nam.

Nhiều chủ khách sạn chưa xác định được thời gian nào có thể đón khách quốc tế trở lại vì tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn phức tạp. Thị trường du lịch nội địa đã ấm lên nhiều nhưng các khách sạn phân khúc ít sao vẫn rất khó cạnh tranh. Ảnh: Nguyễn Nam.

Theo chuyên gia du lịch Lã Quốc Khánh, nguyên Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, đây là quy luật tất yếu trong hoạt động kinh doanh lưu trú. "Khi biên độ lợi nhuận không đủ với giá trị đầu tư, doanh nghiệp hoặc sẽ tạm dừng kinh doanh để duy trì nguồn vốn hoặc chuyển hướng hoạt động phù hợp hơn", ông Khánh nói.

Theo báo cáo của tập đoàn cung cấp dịch vụ bất động sản Savills, tính đến quý I/2020, thị trường khách sạn tại TP HCM có hơn 16.250 phòng từ 124 khách sạn, trong đó phân khúc 5 sao chiếm tỷ trọng cao nhất với 41% thị phần. Ngành khách sạn là phân khúc bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Trước nhu cầu du lịch trong nước trở lại, ngành khách sạn tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh chóng.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, ngay cả khi hoạt động du lịch nội địa khôi phục như trước thì công suất phòng khách sạn tại TP HCM cũng không thể lấp đầy hoàn toàn. "Hiện nay, các khách sạn từ 4 - 5 sao tại TP HCM đang đẩy chương trình kích cầu để thu hút khách. Tuy nhiên, công suất phòng trung bình cũng chỉ đạt khoảng 20%. Các khách sạn thấp sao lại càng khó khăn hơn", ông Khánh khẳng định.

Cũng theo ông Khánh, việc giảm giá kích cầu cũng chưa hẳn mang lại lợi thế bởi liên quan tới chất lượng dịch vụ. Ngay cả một số khách sạn xây dựng chương trình "Một ngày ở khách sạn 5 sao" cũng chỉ mang tính tạm thời.

"Giảm giá lưu trú quá sâu và quá lâu ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Lúc đó doanh nghiệp rất khó để lấy lại thương hiệu, thị phần khi thị trường khách phục hồi. Việc quá nhiều nhà đầu tư khách sạn rời khỏi thị trường cũng đồng nghĩa với việc, du lịch Việt Nam sẽ mất đi tính cạnh tranh với các nước trong khu vực khi du lịch phục hồi", ông Khánh đánh giá.

Nguyễn Nam

Xem thêm

Let's block ads! (Why?)