EU khẳng định nếu toàn cầu không đạt thỏa thuận về thuế kỹ thuật số với các hãng như Google hay Facebook năm nay, họ sẽ tự tiến hành việc này.
"Tôi rất tiếc vì động thái của Mỹ khiến các cuộc thảo luận quốc tế về đánh thuế kỹ thuật số đình trệ. Tôi hy vọng đây chỉ là bước lùi tạm thời chứ không phải sự dừng lại hoàn toàn", Ủy viên Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni hôm nay (18/6) cho biết, "Ủy ban châu Âu muốn có một giải pháp toàn cầu và tin rằng cách tiếp cận hai trụ cột của OECD là phù hợp. Tuy nhiên, nếu điều này không thể thực hiện trong năm nay, chúng tôi sẽ xúc tiến một đề xuất mới ở cấp độ EU".
Mỹ hôm qua (17/6) bất ngờ tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán về thuế kỹ thuật số và đe dọa trả đũa nếu châu Âu tự tiến hành kế hoạch của khối này. Trước đó, nhiều nước châu Âu kỳ vọng có thể áp thuế lên các công ty kinh doanh dịch vụ số có doanh thu trên một ngưỡng nhất định. Việc này sẽ tác động chủ yếu đến các đại gia công nghệ Mỹ.
Financial Times cho biết nội dung thư Mỹ gửi Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Anh nói rằng các cuộc đàm phán quốc tế đã bế tắc và thậm chí không thể đạt hiệp định sơ bộ. Động thái này đã chấm dứt cơ hội sớm đạt được một thỏa thuận.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hôm nay nhận định lá thư của Mỹ là "một sự khiêu khích". "Mỹ không muốn tiếp tục đàm phán về thuế kỹ thuật số ở cấp OCED. Tôi khẳng định Pháp sẽ vẫn đánh thuế này năm nay, tương tự năm ngoái", ông nói.
Mỹ và EU từ lâu vẫn bất đồng quanh vấn đề đánh thuế các đại gia công nghệ. Đầu năm ngoái, Liên minh châu Âu thất bại trong việc áp dụng hệ thống thuế kỹ thuật số chung, do sự phản đối của một số quốc gia như Ireland hay Luxembourg - nơi đặt trụ sở khu vực của nhiều hãng công nghệ lớn tại Mỹ. Họ sau đó đưa việc đàm phán lên cấp OECD để tìm kiếm một giải pháp quốc tế.
Dù vậy, một số nước châu Âu đã quyết định áp thuế riêng, trong đó có Pháp. Việc này khiến Mỹ rất tức giận và dọa trả đũa bằng lên một số hàng hóa Pháp cuối năm ngoái. Đến tháng 1/2020, hai nước đồng ý tiếp tục đàm phán ở cấp OECD. Thuế kỹ thuật số và đề xuất thuế nhập khẩu đều bị hoãn lại.
Trong khi đó, cả Anh, và Tây Ban Nha đều đang soạn thảo đề xuất thuế riêng trong trường hợp đàm phán tại OECD thất bại. Tổ chức này lẽ ra sẽ công bố đề xuất trong năm nay.
Hà Thu (theo Reuters, CNBC)