Ngoài đẩy nhanh tái đàn, rà soát các khâu, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng giải pháp khác để giảm giá thịt heo là "người dân chuyển sang ăn thịt gà".
Thảo luận về kinh tế xã hội chiều 13/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ quan ngại khi giá nhiều mặt hàng thiết yếu, nhất là trong dịch bệnh, ảnh hưởng tới đời sống người dân.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói giá tăng do chưa gặp nhau.
Dịch tả heo châu Phi bùng nổ giữa năm 2019 khiến 31 quốc gia có đàn heo bị nhiễm bệnh, tổng đàn heo thế giới đã giảm 12% vào cuối năm 2019, riêng Trung Quốc giảm 53% dẫn tới khủng hoảng thịt heo toàn cầu. Với Việt Nam, dịch tả heo châu Phi cũng khiến 6 triệu con bị tiêu huỷ, giảm 20% về lượng, tương đương thiếu 3,6 triệu tấn thịt.
Để giảm giá thịt heo, ông nhắc tới ba giải pháp: đẩy nhanh tái đàn, đa dạng rổ thực phẩm ngoài thịt heo và rà soát tình trạng đẩy giá thịt heo ở khâu thương lái, phân phối.
"Chúng ta không nên chỉ tập trung ăn thịt heo, mà cần đa dạng hoá các loại thực phẩm khác khi giá mặt hàng này quá cao, như thịt gà, cá, tôm, trứng... Ăn những loại này cũng đều rất tốt. Cần san sẻ rổ thực phẩm vừa bổ dưỡng, tốt cho cơ thể", ông nói.
Ông Cường nói, phải tới cuối năm 2020, lượng heo mới trở lại như trước khi có dịch tả heo Châu Phi, khoảng 31 triệu con. Tuy nhiên, hiện ngành nông nghiệp gặp khá nhiều khó khăn trong tái đàn heo, khi giá con giống tăng 3-4 triệu đồng một con. Chưa kể ngành vẫn phải đảm bảo an toàn, bền vững do nguy cơ dịch tả heo có thể quay trở lại, nhất là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã yêu cầu 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn bán con giống cho người chăn nuôi và đề nghị các địa phương hỗ trợ về giá để giảm bớt khó khăn.
Không đồng tình với giải pháp giảm giá thịt heo mà Bộ trưởng Cường nêu, đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) tranh luận. Ông Giang nói không đồng ý khi người đứng đầu ngành nông nghiệp đưa ra giải pháp "giá thịt heo mắc quá thì chuyển sang ăn thịt gà, trứng hay các thực phẩm khác". Ông Giang đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn "xem lại để có giải pháp căn cơ hơn".
Hiện các hộ chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp chăn nuôi lớn, họ chỉ thu tiền công 4.000 đồng một kg thịt heo. "Người nuôi trong lúc khó khăn không được lợi nhiều, còn người tiêu dùng thì giá cao. Phần lớn lợi nằm trong tay thương lái, doanh nghiệp chăn nuôi. Giờ phát sinh thêm việc nhập lậu heo qua đường biên giới thì tình hình càng thêm phức tạp", ông Giang nói.
Ngoài thịt heo, ông Giang cũng đồng thời đề nghị Chính phủ phủ xem lại các giải pháp, điều hành giá một số mặt hàng khác như xăng. Ông cho hay, giữa tháng 3 giá xăng giảm nhưng các mặt hàng khác không hề giảm theo. Nhưng ngược lại những lúc giá xăng tăng, chỉ cần nghe thông tin là rục rịch tất cả mặt hàng khác đều tăng theo, thậm chí có mặt hàng không có mối liên quan gì tới xăng cũng tăng.
Anh Minh