Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành có kịch bản để tăng trưởng GDP năm nay cao hơn mức IMF dự báo 2,7%.
Yêu cầu này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 5, ngày 5/5. Theo Thủ tướng, Việt Nam phải đạt mục tiêu kép là chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. "Không thể để tăng trưởng kinh tế quá thấp. Có tăng trưởng mới giải quyết được việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo", Thủ tướng nói.
Ông cũng đặt vấn đề, làm sao vừa có tăng trưởng nhưng cũng kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Covid-19 đã tác động mọi mặt tới kinh tế Việt Nam trong tháng 4. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 10,5% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ giảm 26% trong tháng 4 và tính chung 4 tháng sụt 4,3% cho thấy người dân giảm mạnh chi tiêu.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 1,54% so với tháng 3, nhưng bình quân 4 tháng vẫn tăng 4,9% so cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua.
Xuất nhập khẩu được xem là điểm sáng duy nhất của nền kinh tế, trong đó xuất khẩu tăng 4,7%, nhập khẩu tăng 2,1%. Trong 4 tháng, Việt Nam xuất siêu trên 3 tỷ USD.
Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 để báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội thời gian tới.
Ông quán triệt tinh thần quyết liệt tháo gỡ, không để tình trạng trì trệ ở một số bộ, ngành, địa phương như vừa qua. Dẫn chứng giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng qua có tăng so với cùng kỳ (13%) nhưng rất chậm, Thủ tướng yêu cầu năm nay phải giải ngân hết 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư này.
Trong tình hình dịch bệnh, việc giải ngân hết số vốn đầu tư công năm 2020 có ý nghĩa rất lớn, bởi sẽ góp phần kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. "Không thể để ngành, địa phương nào không giải ngân hết số vốn này", lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.
Anh Minh