Những doanh nghiệp lãi cao nhất quý I

Bức tranh lợi nhuận nhóm đầu đa sắc hơn khi có doanh nghiệp tăng lãi đột biến như Vinhomes và giảm mạnh như PV GAS hay Vietcombank.

Covid-19 và biến động phức tạp của giá dầu đã ảnh hưởng lớn tới cục diện lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. 

Những doanh nghiệp lãi cao nhất trong quý I. Đồ họa: Tạ Lư.

Những doanh nghiệp lãi cao nhất trong quý I. Đồ họa: Tạ Lư.

Đứng vị trí thứ ba về lợi nhuận trước thuế quý I/2019, nhưng năm nay, Vinhomes vươn lên trở thành doanh nghiệp lãi cao nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận đột biến này không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà chủ yếu từ hoạt động tài chính.

Doanh thu của Vinhomes trong quý I tăng 11% lên 6.519 tỷ đồng, với lợi nhuận gộp gấp đôi cùng kỳ. Biến động mạnh nhất phải kể tới hoạt động tài chính. Doanh thu tài chính đạt gần 8.600 tỷ đồng, so với mức chưa tới 3.000 tỷ trong quý I/2019. Phần doanh thu này đến từ việc Vinhomes chuyển nhượng khoản đầu tư tại công ty con. Kết quả này giúp lãi trước thuế tăng vọt lên hơn 10.000 tỷ đồng, gần gấp đôi đơn vị đứng liền sau là Vietcombank.

So với năm trước, Vietcombank - ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống - báo lãi trước thuế hợp nhất giảm 11%, còn 5.223 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gia tăng, trong khi ngân hàng đối mặt với sự chững lại ở hầu hết chỉ tiêu.

Thu nhập lãi thuần - "nồi cơm" chính của ngân hàng, chỉ tăng hơn 6%, trong khi cùng kỳ 2019 tăng 37,2%. Hoạt động dịch vụ chỉ tương đương, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng thấp, lãi thuần từ hoạt động khác giảm nhẹ. Trong khi đó, chi phí dự phòng của ngân hàng tăng hơn 40% lên 2.150 tỷ đồng.

Được ví như "mạch máu" nền kinh tế, ngành ngân hàng cũng đứng đầu về số lượng doanh nghiệp trong nhóm lãi cao nhất với 5/10 vị trí. Ngoài Vietcombank, những cái tên còn lại trong nhóm này là Techcombank, VietinBank, VPBank và MB. Tuy nhiên, tương tự như Vietcombank, tốc độ tăng trưởng hai con số không còn là "niềm tự hào" của nhóm này.

Trong số bốn ngân hàng còn lại, chỉ có Techcombank và VPBank duy trì tốc độ tăng trưởng dương về lợi nhuận so với cùng kỳ, tăng lần lượt 19% và hơn 60%. Trong khi đó, VietinBank và MB đều thấp hơn. Lãi trước thuế VietinBank giảm 6% cùng kỳ, trong khi lợi nhuận MB giảm gần 10%.

Những cái tên còn lại trong top 10 về lợi nhuận, như Vinamilk, PV GAS, Hòa Phát hay ACV, là đại diện cho từng lĩnh vực kinh doanh riêng. Và mỗi công ty lại cho thấy một bức tranh tài chính khác nhau.

Ở nhóm ngành F&B, lợi nhuận của Vinamilk tương đương cùng kỳ, giúp doanh nghiệp này ổn định trong nhóm ba doanh nghiệp lãi cao nhất sàn chứng khoán. 

Chịu ảnh hưởng từ Covid-19 trong quý I nhưng tác động tới doanh nghiệp sữa lớn nhất thị trường được giảm bớt nhờ cấu trúc sản phẩm đa dạng. Doanh thu mảng sữa nước của Vinamilk bị ảnh hưởng từ việc dừng chương trình sữa học đường do trường học đóng cửa. Tuy nhiên doanh thu mảng sữa chua gia tăng, đặc biệt là sữa chua uống tăng sức đề kháng. 

Tính chung cả quý I, doanh thu của Vinamilk vẫn tăng 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và lãi trước thuế gần như tương đương. Trong bối cảnh Covid-19 "tàn phá" nền kinh tế và nhiều lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là ngành hàng tiêu dùng, kết quả này của Vinamilk được xem là một điểm tích cực.    

Dù vậy, hoạt động trong lĩnh vực phụ thuộc lớn vào sức mua của người tiêu dùng, diễn biến từ đại dịch vẫn là một biến số không chắc chắn với Vinamilk. Giới phân tích vẫn giữ khuyến nghị tích cực với doanh nghiệp, nhưng hầu hết đều hạ dự phóng doanh thu và lợi nhuận năm nay. Đồng thời, các công ty chứng khoán cũng đánh giá triển vọng sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến thực tế của dịch bệnh.

So với cùng kỳ năm trước, PV GAS giảm 4 bậc trên bảng xếp hạng do lợi nhuận trước thuế giảm hơn 20%. Khác với phần còn lại, doanh nghiệp này chịu tác động kép trong quý I từ cả đại dịch và diễn biến khó lường của giá dầu. Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu đình trệ, giảm nhu cầu nhiên liệu. Cùng với tình trạng dư thừa dầu mỏ trên thế giới, kết quả là giá dầu và giá khí giảm liên tục từ đầu năm. Doanh thu của PV GAS trong quý I giảm 8% với lợi nhuận gộp giảm tới 24%.    

Cùng chịu tác động từ Covid-19 nhưng ảnh hưởng tới doanh nghiệp thép lớn nhất thị trường là tốc độ tăng không như kỳ vọng, thay vì sụt giảm. Báo cáo tài chính quý đầu năm của Hòa Phát ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt trên 19.200 tỷ đồng và 2.300 tỷ đồng, đều tăng khoảng 28%    

Theo Hòa Phát, dịch bệnh ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ vật liệu nên mảng thép tăng trưởng chậm hơn, chỉ đạt khoảng 30%. Trong khi đó, nguồn thu từ nông nghiệp mang về cho tập đoàn gần 2.800 tỷ đồng và tăng trưởng xấp xỉ 60%. Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, công suất nhà máy lớn là yếu tố quan trọng giúp Hòa Phát đẩy nhanh quá trình chiếm thị phần trong lúc các doanh nghiệp nhỏ chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh.

Đứng cuối trong nhóm 10 doanh nghiệp lợi nhuận cao nhất là Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV).

Hàng không được giới phân tích đánh giá là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch. Các biện pháp hạn chế di chuyển để ngăn chặn sự lây lan khiến hoạt động của ngành bị ngưng trệ. Là doanh nghiệp cung cấp hạ tầng cho ngành này, ACV không tránh khỏi ảnh hưởng. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của ACV trong quý I giảm xấp xỉ 20% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cũng thu hẹp còn 44%, so với mức 52% cùng kỳ năm trước.

Minh Sơn

Let's block ads! (Why?)