Startup bù cho nhân viên cổ phiếu khi giảm lương

Không sa thải hay cắt ngang lương nhân viên vì đại dịch, nhiều startup chọn cách kêu gọi giảm lương và "bù đắp" bằng cổ phiếu.

"Chúng ta đang gặp khó khăn. Bạn có hai lựa chọn - một là giữ nguyên thu nhập, hai là giảm lương và đổi sang cổ phiếu để giúp công ty vượt qua giai đoạn này", thông báo từ ban lãnh đạo của iPrice - một công ty hỗ trợ thương mại điện tử có trụ sở tại Malaysia được gửi tới nhân viên.

Lựa chọn thứ hai sẽ giúp công ty vượt qua khó khăn mà không gây thiệt nhiều cho nhân viên so với cách giảm lương cào bằng. Đổi lại, những người sẵn sàng hy sinh một phần thu nhập hiện tại sẽ được bù đắp bằng mức sinh lời cổ phiếu khi công ty này phát triển. 

Vì dịch bệnh, nguồn thu lớn từ việc bán voucher du lịch tại Việt Nam và nhiều thị trường Đông Nam Á khác của iPrice về 0. Doanh thu từ mảng so sánh giá cũng giảm vì các mặt hàng chủ lực của thương mại điện tử như thời trang và điện máy bị ảnh hưởng tiêu cực do sức mua đi xuống. Việc gọi vốn thêm sẽ gặp khó vì nhà đầu tư e ngại rót tiền cho các thương vụ mới lúc này.

"Lương của ban giám đốc sẽ giảm 25-40%. Tuy nhiên chúng tôi không sa thải bất kỳ ai và cũng không bắt buộc giảm lương các bạn", CEO David Chmelar nói với 200 nhân viên qua cuộc họp online. 

Một cuộc họp trực tuyến khi làm việc tại nhà của iPrice. Ảnh: iPrice.

Một cuộc họp trực tuyến khi làm việc tại nhà của iPrice. Ảnh: iPrice.

52 nhân viên đã chọn giảm lương giúp iPrice vượt khó khăn. Một nhân viên người Việt trong số này chia sẻ: "Tôi gần như chỉ chờ nhận thông báo giảm lương vì tình hình khó khăn chung. Nhưng may mắn là công ty đã tìm cách để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chúng tôi".

Không chỉ iPrice, một số startup khác cũng chọn cách này thay vì ra chính sách cắt giảm nhân sự hay lương thưởng. 

Medal.tv - một doanh nghiệp trong mảng game - cũng kêu gọi nhân viên tự nguyện giảm lương. Lượng người dùng đổ xô chơi game trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội không đủ để Medal.tv xua tan mối lo khó gọi vốn thời gian tới. 

Pim de Witte đồng sáng lập của công ty cho biết do không muốn sa thải nhân viên nên anh kêu gọi việc giảm lương và đổi lại quyền sở hữu cổ phiếu và được bán lại trong vòng gọi vốn tiếp theo. Nếu mọi thứ đều ổn, công ty không những tiết kiệm được chi phí trong giai đoạn khó khăn mà nhân viên sẽ có khoản tiền lớn hơn trong vòng gọi vốn series B. 

Seth Bannon, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Fifty Years cũng chia sẻ với Bloomberg, nhiều startup cắt giảm chi phí 10%-40% trong những tuần gần đây. Ngay cả khi hoạt động kinh doanh đang tốt và startup đạt mục tiêu tăng trưởng, họ vẫn phải thực hiện có thay đổi đau đớn khi nguồn vốn trở nên khan hiếm.  

Ông nói khó biết khi nào doanh nghiệp có thể gọi vốn hay thị trường sẽ ra sao những tháng tới. Với các công ty non trẻ, việc cắt giảm tiền lương và cho nhân viên quyền mua cổ phiếu là cách để thể hiện "Giảm lương không phải do lỗi của bạn vì vậy chúng tôi bù đắp nó cho bạn bằng cổ phiếu". 

Quỳnh Trang

Let's block ads! (Why?)