Covid-19 và lệnh phong tỏa đang khiến PMI - chỉ số đo sức khỏe lĩnh vực sản xuất - giảm mạnh trên toàn cầu, đặc biệt ở Ấn Độ, Italy.
Sản lượng đầu ra của các nhà máy đã giảm mạnh ở châu Á, châu Âu và Mỹ Latinh trong tháng 4/2020, vì những nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của công ty dữ liệu IHS Markit cho thấy bức tranh tương tự tại nhiều nước, từ Ấn Độ, Ba Lan đế Mexico hay thậm chí là Mỹ.
Ấn Độ đã áp đặt lệnh phong tỏa lên một quy mô dân số lớn nhất thế giới vào tháng qua. Kéo theo đó, PMI tại đây đã "sụp đổ", từ mức 51,8 điểm vào tháng 3 xuống chỉ còn 24,4 vào tháng 4, một trong những mức suy giảm mạnh và nhanh nhất thế giới. PMI trên 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất tăng trưởng. Ngược lại, PMI càng xuống sâu dưới 50 chứng tỏ sản xuất suy giảm.
Lĩnh vực sản xuất Indonesia cũng giảm với tốc độ gần tương tự Ấn Độ. Ở cả hai nước, các nhà máy cho biết họ đã sa thải công nhân với tốc độ kỷ lục. Trong khi đó, cuộc khảo sát cũng cho thấy suy yếu sản xuất kỷ lục ở Philippines, Malaysia và Việt Nam. Tại Đài Loan và Hàn Quốc, tháng 4/2020 là tháng suy giảm sản xuất sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Khác với nhiều nước, chính phủ Hàn Quốc không phong tỏa hay cách ly xã hội quy mô lớn mà dùng biện pháp xét nghiệm tự nguyện và xét nghiệm diện rộng để xác định những người nhiễm Covid-19 để theo dõi và cách ly những người đã tiếp xúc với họ.
Thế nhưng, hoạt động sản xuất của nước này vẫn suy giảm trong tháng qua, do ảnh hưởng bởi sụt giảm trong xuất khẩu. IHS Markit nói rằng ngay cả khi các nhà máy có đơn đặt hàng ở nước ngoài thì họ vẫn gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa đến Nhật Bản, Đài Loan và Ấn Độ.
Ở Mỹ Latinh, Brazil, Mexico và Colombia đã báo cáo sản lượng đầu ra giảm kỷ lục trong tháng qua, cùng với 22 quốc gia khác. Ngoại lệ duy nhất cho xu hướng giảm hoạt động sản xuất toàn cầu là Trung Quốc. Đây là nước đầu tiên đóng cửa nền kinh tế trong nỗ lực ngăn chặn virus và cũng đi đầu trong việc phục hồi sản xuất.
Tại châu Âu, khảo sát cho thấy các nhà máy Hy Lạp đã trải qua sự suy giảm hoạt động lớn nhất khu vực, tiếp theo sau là Tây Ban Nha và Italy. Trong khi đó, các nước Bắc Âu như Hà Lan và Đức cũng ghi nhận sụt giảm, nhưng mức độ khiêm tốn hơn nhiều. Sự khác biệt này đang gây ra căng thẳng chính trị trong khối, về cách thức và việc liệu các nước thành viên có nên chia sẻ gánh nặng khi khắc phục thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra hay không.
57 nhà kinh tế được Ngân hàng Trung ương châu Âu khảo sát dự đoán kinh tế eurozone sẽ phục hồi theo mô hình dấu "tick", tức sụt giảm rất mạnh rồi phục hồi chậm. Họ cho rằng GDP khu vực này sẽ giảm 5,5% trong năm nay trước khi hồi phục 4,3% vào năm tới.
Trên khắp châu Á và châu Âu, các nhà sản xuất cho biết họ đang sa thải công nhân với tốc độ kỷ lục. Nhưng ở châu Âu, tình trạng thất nghiệp đang hạ nhiệt, nhờ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho lao động của các chính phủ. Ví dụ, tại Thuỵ Sĩ, 59% các nhà sản xuất được hỏi nói rằng có tham gia chương trình này. Họ nhận giúp đỡ để trả lương cho 34% công nhân.
Hiện tại, nhiều quốc gia đã nới lỏng các hạn chế về di chuyển và tương tác xã hội, nên các chính phủ, doanh nghiệp và người lao động hy vọng rằng tháng 4/2020 là tháng tổn thất kinh tế cao nhất vì đại dịch. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng phục hồi hoạt động nhanh chóng để trở về như mức trước đại dịch lan rộng toàn cầu hồi tháng 1/2020 là không thể.
"Các bước cần thiết để giữ an toàn cho người lao động có nghĩa là việc khởi động lại sản xuất thường sẽ ở công suất thấp và hầu hết đang trong tình hình nhu cầu tiêu thụ giảm đáng kể", Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại IHS Markit nói.
Phiên An (theo WSJ)