Không vận hành 7 năm nay nhưng nhà máy ethanol Bình Phước vẫn lỗ 262 tỷ đồng mỗi năm và nguy cơ thất thoát 4,12 triệu USD, theo Kiểm toán Nhà nước.
Thừa ethanol vẫn đầu tư
Dự án Nhà máy sản xuất ethanol Bình Phước được khởi công từ năm 2010 với tổng mức đầu tư được phê duyệt lần đầu là 1.492 tỷ đồng, do Công ty nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) làm chủ đầu tư, với 3 cổ đông là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Tập đoàn ITOCHU và Công ty LICOGI 16.
Dự án thuộc công trình công nghiệp nhóm A – có tổng mức đầu tư lớn hơn 1.500 tỷ đồng - nhưng Công ty Phương Đông đã không lấy ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở của Bộ Công Thương.
Theo cơ quan kiểm toán, ở thời điểm PVOIL trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thông qua chủ chương đầu tư vào năm 2009, dự án đã không đáp ứng yêu cầu về tính cần thiết của hoạt động đầu tư do nhu cầu bio-ethanol trên cả nước lúc đó thấp hơn khoảng 76,5 triệu lít so với tổng công suất hàng năm của các nhà máy Ethanol đang hoạt động và dự kiến đi vào hoạt động.Công ty Phương Đông vẫn xây dựng nhà máy dựa trên việc PVOIL cam kết tiêu thụ 100% sản phẩm theo nguyên tắc giá ethanol được điều chỉnh theo giá sắn lát đầu vào.Tới khi nhà máy ethanol Bình Phước hoàn thành và đi vào hoạt động thì giá sắn lát bắt đầu tăng, kéo chi phí sản xuất bio-ethanol lên cao. Ngoài ra, Nhà nước chưa ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống đã khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm rơi vào tình trạng bế tắc.
Kết quả, PVOIL đã không thực hiện cam kết bao tiêu 100% sản phẩm bio-eothanol, đẩy nhà máy vào hoàn cảnh khó khăn, phải dừng hoạt động từ năm 2013 vì càng sản xuất càng lỗ. Phần vốn nhà nước đầu tư vào nhà máy cũng bị thiệt hại khoảng 207 tỷ đồng, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Với việc nhà máy ngừng hoạt động, mỗi năm Công ty Phương Đông lỗ khoảng 262 tỷ đồng, bao gồm lãi vay 120 tỷ đồng, khấu hao 90 tỷ đồng, chi phí duy trì nhà máy 52 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2018, Nhà máy ethanol Bình Phước đã lỗ khoảng 1.280 tỷ đồng. Còn Công ty Phương Đông đã mất toàn bộ vốn chủ sở hữu khoảng 660 tỷ đồng khiến PVOIL mất 198 tỷ đồng, ITOCHU mất 339 tỷ đồng và LICOGI 16 mất 122 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty Phương Đông - chủ dự án Nhà máy ethanol Bình Phước – đã không còn khả năng trả khoản nợ gốc, lãi vay lên đến 1.623 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại. Thậm chí, các ngân hàng đã từ chối tái cơ cấu tín dụng lần 3 do doanh nghiệp chưa trình được phương án hoạt động sản xuất – kinh doanh sắp tới.
Loạt vấn đề trong thương thảo, ký hợp đồng xây dựng
Bên cạnh nguy cơ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vốn nhà nước đã đầu tư vào dự án, những tồn tại trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư dự án cũng được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ.
Điển hình là khoản chi phí thiết bị tạm thời trị giá 1,13 triệu USD, khoản mua sắm thiết bị trị giá 36 triệu USD không có báo giá nhà cung cấp, không có cơ sở xác định giá nhưng vẫn được đưa vào tổng vốn xây dựng nhà máy.
Ngoài ra, một số chi phí tư vấn, chi phí khác trong tổng mức đầu tư cũng được lập nhưng thiếu cơ sở, tính tăng so với định mức quy định khoảng 2,68 triệu USD.
Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án trị giá 1.492 tỷ đồng không bao gồm thuế giá trị gia tăng do Công ty Phương Đông phê duyệt cũng được cơ quan kiểm toán đánh giá là chưa tuân thủ quy định của Bộ Xây dựng.
Sau đó, khi tổng mức đầu tư dự án tăng lên 1.648,4 tỷ đồng do bổ sung thuế nhà thầu nước ngoài, chi phí đường điện ngoài EPC và cập nhật tỷ giá hối đoái, đại diện phần vốn góp của PVOIL ở Công ty Phương Đông vẫn không làm rõ lý do hạng mục các thiết bị chính thuộc hợp đồng EPC chênh lệch 532.438 USD so với chi phí trong dự án đầu tư đã duyệt.
Đặc biệt, dấu hiệu bất thường trong quá trình thương thảo ký hợp đồng, dẫn tới nguy cơ thất thoát khoản 4,12 triệu USD do phát sinh chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy ethanol Bình Phước cũng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.
Cụ thể, giá gói thầu EPC Nhà máy ethanol Bình Phước được ký kết giữa Công ty OBF và nhà thầu TTCL&PVE là 58,3 triệu USD. Nhưng khi thực hiện hợp đồng, nhà thầu TTCL&PVE lại đề xuất và được Công ty Phương chấp thuận trả thêm khoản chi phí phát sinh 4,12 triệu USD.
Thêm vào đó, nhà thầu TTCL&PVE đã không tính đủ thuế nhà thầu nước ngoài khoảng 815.000 USD, chi phí thiết bị dự án 724.000 USD nhưng chủ đầu tư không làm rõ, không xác định lại giá trần, dẫn tới ký hợp đồng EPC cao hơn giá trần thiết bị 1,4 triệu USD, làm tăng chi phí đầu tư dự án.
Khi xây dựng Nhà máy ethanol Bình Phước, nhà thầu TTCL&PVE đã điều chỉnh thiết kế, giảm một số thiết bị, giảm công suất thiết bị nhưng không thương thảo lại hợp đồng với chủ đầu tư.
Quá trình kiểm toán cũng phát hiện Công ty Phương Đông và liên danh nhà thầu TTCL&PVE không tuân thủ một số điều khoản hợp đồng EPC đã ký kết.Theo cam kết tại hợp đồng EPC, Nhà máy ethanol Bình Phước dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2012. Nhưng đến hết tháng 12/2018, công trình vẫn chưa hoàn thành, chậm tiến độ 79 tháng. Thậm chí, chủ đầu tư phải chịu khoản thiệt hại ước tính 2,92 triệu USD vì đã ký phụ lục hợp đồng thay đổi điều khoản phạt do chậm tiến độ, dẫn tới không thể yêu cầu nhà thầu bồi thường.
Về chất lượng dự án Nhà máy ethanol Bình Phước, cơ quan kiểm toán cho biết, liên danh nhà thầu TTCL&PVE đã thay đổi xuất xứ 18 thiết bị và thay đổi nhà sản xuất 24 thiết bị so với danh mục xuất xứ đã cam kết trong hợp đồng EPC.
Trong đó, lượng thiết bị nhập ngoại trị giá 40 triệu USD do nhà thầu TTCL sử dụng để lắp đặt vào công trình không có chứng chỉ chất lượng của nhà sản xuất, không có chứng nhận về nguồn gốc, xuất xứ thiết bị.
Với gói thầu xây dựng kho Đắk Nông, Kiểm toán Nhà nước cũng xác định những dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý hợp đồng, quản lý chất lượng công trình khi chỉ có 1 trong 9 điểm thuộc hạng mục nền bê tông được kiểm tra đạt chiều dầy thiết kế là 10 cm. Ngoài ra, phần mái nhà kho không có Tole nhựa lấy sáng theo thiết kế. Nhưng các hạng mục trên vẫn được tư vấn giám sát và chủ đầu tư chấp thuận thanh toán cho nhà thầu.
Thêm vào đó, các nguyên vật liệu được sử dụng cho công trình như vật liệu thép, sơn khung thép, cột điện, bu lông, thép tấm, Tole không có chứng chỉ nghiệm thu chất lượng của nhà sản xuất và tài liệu nghiệm thu theo quy định. Thậm chí, đơn vị thi công xây dựng cũng không có biên bản nghiệm thu công việc, biên bản nghiệm thu bộ phận, nghiệm thu giai đoạn với hạng mục hệ thống giao thông nội bộ và bãi đỗ xe.
Trước những vấn đề trên, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ dấu hiệu bất thường trong quá trình thương thảo ký hợp đồng EPC, dẫn tới nguy cơ thất thoát 4,12 triệu USD; việc lắp đặt thiết bị nhập ngoại không có chứng chỉ chất lượng, chứng nhận xuất xứ; vi phạm quy định về quản lý chất lượng xây dựng tại gói thầu Xây dựng kho Đắk Nông.
Sau đó, Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã giao Bộ Công an kiểm tra, xác minh những nội dung trên để xử lý theo quy định pháp luật.
Hoàng Thắng