Giới phân tích cho rằng kinh tế khu vực đồng euro có thể đã chạm đáy vào tháng 4 và Mỹ sẽ nối gót vào cuối tháng này.
"Các hoạt động kinh tế có lẽ đã chạm đáy rồi", Jan Hatzius - kinh tế trưởng tại Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng hôm qua (4/5), "Phong tỏa và giãn cách xã hội đang dần biến mất khi các nước thận trọng mở cửa lại nền kinh tế". Tây Ban Nha và Italy cũng đã nới phong tỏa cách đây vài ngày sau gần 2 tháng áp dụng nghiêm ngặt.
Goldman Sachs dự báo GDP các nền kinh tế phát triển sẽ giảm trung bình 32% quý II. Tuy nhiên, trong hai quý cuối năm, các nước này sẽ tăng trưởng trở lại với tốc độ lần lượt 16% và 13%.
Kinh tế trưởng Chetan Ahya của Morgan Stanley hôm 3/5 cũng nhận định "nhiều chỉ số chúng tôi theo dõi cho thấy kinh tế toàn cầu đang trong quá trình chạm đáy và bật lại". Kỳ vọng của người tiêu dùng đã cải thiện, xu hướng dịch chuyển cũng tăng lên và việc giảm chi tiêu cũng đang chậm lại so với các tuần đầu đại dịch bùng phát.
"Theo đánh giá của chúng tôi, kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy từ tháng 2. Khu vực đồng euro có thể đã chạm đáy vào tháng 4 và Mỹ sẽ nối gót vào cuối tháng này", Ahya nhận xét.
Dù vậy, không phải nhà kinh tế học nào cũng tỏ ra lạc quan. Hôm qua, James Pomeroy của HSBC cảnh báo nhà đầu tư không nên đặt cược vào "khả năng bật lại nhanh của kinh tế toàn cầu". Ông trích dẫn các số liệu từ Trung Quốc cho thấy tiêu dùng có thể chậm bật lại khi người dân vẫn ngần ngại mua sắm và quay trở lại công ty.
Khi chính phủ các nước ngày càng nới lỏng phong tỏa, rủi ro đi kèm là đợt bùng phát thứ 2 có thể diễn ra, khiến các hoạt động kinh tế càng gián đoạn hơn. "Rủi ro lớn nhất với triển vọng kinh tế toàn cầu là tốc độ lây nhiễm tăng nhanh trở lại khi mở cửa. Phân tích gần nhất của chúng tôi khẳng định phần lớn hiệu quả của việc giảm lây nhiễm đến từ phong tỏa và giãn cách xã hội".
Hà Thu (theo Bloomberg)