Chính phủ đề xuất bổ sung cho Hà Nội quyền tăng một số loại phí chưa có trong danh mục và được linh hoạt tự quyết mức tăng.
Sáng 1/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù với Hà Nội.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tại dự thảo Nghị quyết lần này Hà Nội đề nghị bổ sung 3 cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố. Một là được quyết định thu phí, lệ phí với các trường hợp chưa quy định trong danh mục với tỷ lệ tăng thu không quá 1,5 lần quy định hiện hành. Hai là được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất. Ngoài ra, TP Hà Nội muốn giữ lại toàn bộ số thu từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn.
Những đề nghị bổ sung cơ chế đặc thù thêm này của Hà Nội, theo ông Đinh Tiến Dũng, cũng tương tự như cơ chế TP HCM đã được thí điểm từ năm 2017.
"Việc cho phép thí điểm chính sách thu phí mới hoặc điều chỉnh các chính sách thu phí có thể tác động đến một số doanh nghiệp, người dân, nhưng không ảnh hưởng lớn đến sản xuất, lưu thông hàng hoá thị trường cả nước", ông Dũng nói.
Uỷ ban Tài chính ngân sách - cơ quan thẩm tra đề xuất này, cho biết, các loại phí, lệ phí mà Chính phủ muốn bổ sung thẩm quyền cho Hà Nội chưa nằm trong danh mục do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Việc bổ sung này nhằm tạo linh hoạt cho thành phố.
Theo ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, đa số ý kiến trong thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị không nên đưa ra quy định trần tăng thu phí không quá 1,5 lần. Mức thu cụ thể do HĐND thành phố quyết định. Số ý kiến khác lại cho rằng cần quy định mức trần tăng thu phí 1,5 lần so với hiện hành và phải kiểm soát, quản lý chặt để không ảnh hưởng tới thị trường, xã hội.
Góp ý kiến sau đó, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói không nên đưa ra quy định mức trần tăng thu là 1,5 lần, bởi thực tế TP HCM khi thí điểm đã tăng một số loại phí lên 6 lần. Nếu quy định mức trần tăng phí ở Hà Nội là 1,5 lần thì sẽ "trói" hơn so với TP HCM.
"Cần hiểu việc tăng phí, lệ phí không phải để tăng thu ngân sách cho thành phố, mà có cơ chế xử lý vấn đề trật tự đô thị, ùn tắc giao thông tại một số khu vực lõi", ông Thanh nhấn mạnh.
Thực tế, sau khi được áp dụng cơ chế thí điểm đặc thù từ năm 2017, TP HCM đã quyết định tăng thu một số loại phí như tăng mức thu phí đỗ xe từ 5.000 đồng một lượt lên bình quân 30.000 đồng một giờ; tăng phí bảo vệ môi trường nước xả thải công nghiệp theo hướng càng thải nhiều càng đóng cao, hay giảm mức thu phí học phí...
Chia sẻ quan điểm với ông Thanh, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị, riêng phí, lệ phí toà án không giao cho HĐND thành phố quyết định do đây là lĩnh vực đặc thù. Ông cũng nhấn mạnh, không nên đưa ra mức trần tăng phí "cứng" 1,5 lần so với hiện tại, thay vào đó HĐND được quyết định nhưng phải trên cơ sở đồng thuận của nhân dân.
Bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư tỉnh uỷ Thái Nguyên cũng góp ý không nên quy định mức tăng phí trần 1,5 lần, mà để HĐND thành phố chủ động.
Tuy nhiên, bà Hải lưu ý, danh mục phí, lệ phí lên tới hàng trăm loại, cần tăng mạnh loại phí hướng tới người thu nhập cao, chẳng hạn phí đỗ ôtô ở trung tâm. Ngược lại, loại phí nào hướng tới đa số người dân, thu nhập thấp thì tăng ở mức vừa phải, thậm chí giảm. "Mức tăng thu phí không nên cào bằng, mà căn cứ vào đối tượng quyết định mức tăng hoặc giảm phí", bà Hải nói.
Ngoài ba chính sách mới mà Hà Nội đề nghị bổ sung, Chính phủ cũng đề xuất 6 cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Hà Nội. Một là nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải đảm bảo khả năng trả nợ. Hai là cho phép tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính của thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng. Ngoài ra, Hà Nội muốn được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội.
Tiếp đến, cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên của một số đơn vị do tiết kiệm được để đầu tư công trình nhỏ mang tính chất xây dựng cơ bản, không phải theo quy trình Luật Đầu tư công.
Năm là, cho phép sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác để đầu tư xây dựng một số công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo chương trình hợp tác giữa Thủ đô và các địa phương.
Sáu là, giao cho HĐND quyết định cơ cấu ngân sách sử dụng cho giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung nội dung Nghị quyết cơ chế thí điểm cơ chế cho Hà Nội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Cơ quan thường trực Quốc hội cũng nhất trí bổ sung vào chương trình đợt 2 kỳ họp thứ 9 dự kiến vào 8-18/6 để Quốc hội thảo luận, thông qua ở một kỳ họp.
Anh Minh