Cây cầu bắc ngang Đại Tây Dương

ScotlandCầu Clachan cho phép du khách băng qua dòng nước của Đại Tây Dương trong vài giây.

Cây cầu vòng cung này bắc ngang một kênh nước hẹp mang tên Clachan Sound. Vì hai đầu của kênh nước đều đổ vào Đại Tây Dương, Clachan được mệnh danh là cây cầu bắc ngang Đại Tây Dương. 

Cầu Clachan. Ảnh: Pentl And Pirate/Flickr.

Cầu Clachan. Ảnh: Pentl And Pirate/Flickr.

Cầu đá này nối hòn đảo Siel ngoài khơi phía tây của Scotland với đất liền từ cuối thế kỷ 18. Ban đầu, John Stevenson ở thị trấn Oban, Scotland thiết kế cây cầu vào năm 1792 và kỹ sư Robert Mylne xây dựng từ 1792 đến 1793.

Theo bản vẽ ban đầu, cây cầu có hai vòm nhưng cuối cùng nó được xây dựng với một vòm cao duy nhất, dài khoảng 22 mét, cao khoảng 12 mét phía trên mặt nước - cho phép tàu lên tới 40 tấn đi qua ngay cả khi thủy triều lên.

Tuy nhiên, đôi khi cá voi bị mắc kẹt trong kênh Clachan khi thủy triều xuống. Vào năm 1835, một con cá voi dài 24 mét đã bị mắc cạn trong vùng nước nông và không thể thoát ra. Năm 1837, 192 con cá voi hoa tiêu cũng lâm vào tình cảnh tương tự, trong đó con lớn nhất dài 8 mét.

Khung cảnh nhìn từ cầu Clachan. Bên trái là đảo Seil, bên phải là đất liền. Ảnh: Atlas Obscura.

Khung cảnh nhìn từ cầu Clachan. Bên trái là đảo Seil, bên phải là đất liền. Ảnh: Atlas Obscura.

Cầu Clachan vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay, tạo thành một phần của con đường B844 và được văn phòng bảo vệ di sản xây dựng Historic Scotland chăm sóc. Biệt danh "cây cầu bắc ngang Đại Tây Dương" của nó còn được đặt cho một số cây cầu khác như cây cầu giữa khu dân cư Norðskáli và làng Oyri ở Quần đảo Faroe (vùng tự trị của Đan Mạch); và cây cầu nối giữa đảo Lewis và đảo Great Bernera thuộc những quần đảo Ngoại Hebrides.

Cây cầu cách xa lộ B844 khoảng 17 km về phía nam của thị trấn ven biển Oban. Để ngắm nhìn khung cảnh biển từ cây cầu, du khách có thể dừng xe ở một đầu cầu và đi bộ qua. Cây cầu đủ khoảng trống cho khách bộ hành, tuy nhiên không đủ để đỗ xe.

Bảo Ngọc (Theo Atlas Obscura)

Let's block ads! (Why?)