Dự định kết thúc hành trình 3 năm vòng quanh thế giới bằng xe máy vào 1/6, Trần Đặng Đăng Khoa kẹt lại Mozambique và mong muốn sớm về nước.
"Tình hình này về được là mừng rồi. Chương cuối của quyển nhật ký tưởng chừng là Đường về nhà, giờ phải đổi lại là Mắc kẹt ở châu Phi", Khoa chia sẻ trong những ngày kẹt lại vì .
Ngày 1/6/2017, Khoa khởi hành từ Sài Gòn, thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới bằng xe máy, bỏ qua hoài nghi của nhiều người về một ước mơ viển vông, khó thực hiện. Cho đến nay, anh đã đi qua 62 nước và châu Phi là châu lục cuối cùng Khoa đặt chân đến. Anh dự định kết thúc hành trình tròn 3 năm ngày 1/6/2020, nếu chẳng may gặp trục trặc, thì ngày về Việt Nam ấn định vào 2/9/2020. Tuy nhiên, chuyến đi của Khoa giờ đây có thể không hẹn ngày kết thúc, vì dịch bệnh.
Dịp Tết âm lịch, anh đang ở Madagascar, đợi xe máy gửi từ Australia để tiếp tục chuyến đi. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát dữ dội, lây lan qua nhiều quốc gia, buộc anh phải di chuyển nhanh, cố gắng tới kịp Mozambique trước khi nước này đóng cửa biên giới. Anh chọn quốc gia này vì đã tìm hiểu ở đây có Đại sứ quán Việt Nam, có bờ biển, cảng tàu và sân bay lớn, nếu có lệnh sơ tán cũng dễ dàng hơn. Ngoài ra, ở Mozambique cũng ít mất điện, thực phẩm, đồ sinh hoạt bán nhiều và dễ tìm kiếm. Hiện anh đang ở thành phố Chimoio, tỉnh Manica.
Những ngày kẹt lại Mozambique
Chỉ 3 ngày sau khi đến nơi, vào 23/3, Mozambique đóng cửa toàn bộ biên giới và thực hiện cách ly xã hội. Những du khách như anh không phải tự cách ly hay khai báo y tế, tuy nhiên khi qua biên giới phải kiểm tra thân nhiệt. Rất may mắn, chính phủ nước này đã gia hạn visa cho du khách hết 30/6, vì vậy trước mắt anh không còn lo về việc phải dời đi.
Dịch bệnh tác động tới kinh tế toàn cầu, các hợp đồng quảng cáo ở Việt Nam gặp khó khăn, chi phí dần eo hẹp nên Khoa phải tiết kiệm hơn. Anh may mắn tìm được phòng nghỉ giá rẻ, hàng ngày tự ra ngoài, mua thực phẩm và nấu ăn. Một ngày, chi phí chỗ ở, đồ ăn, nước uống, Internet trung bình khoảng 1.200 MZN, hơn 400.000 đồng.
Ở Mozambique, các mẫu phẩm đều phải gửi sang Nam Phi làm xét nghiệm, vì vậy những trường hợp dương tính với nCoV có thể chưa được phát hiện hết. Để chủ động phòng bệnh, anh mua khẩu trang và nước rửa tay vừa đủ dùng. Ở những nơi công cộng đều có bình nước và xà phòng rửa tay; tại siêu thị còn yêu cầu khách kiểm tra thân nhiệt. Với anh, dịch bệnh không phải điều đáng sợ nhất mà lo ngại bạo lực giữa các nhóm vũ trang tranh giành quyền lợi. Vì vậy, anh chỉ đi lại trong thành phố và "chờ thời" để được đi tiếp.
Anh chia sẻ, ở châu Phi khó khăn thì "bao la" vì bất đồng ngôn ngữ, hỏng xe nhiều lần, đường xấu, xe chạy ẩu, dịch vụ thiếu thốn, hay mất điện. Đặc biệt, thông tin đi lại cũng hiếm hoi và chi phí không hề rẻ như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên với anh, việc mắc kẹt cũng không quá tệ, nhiều lúc cũng thấy vui và có cảm giác phiêu lưu hơn.
Để giết thời gian, anh mua một cây đàn guitar giá rẻ về sáng tác nhạc, viết nốt nhật ký về chuyến đi, làm ảnh, video, đọc sách, tập thể dục, sửa chữa và thay thế những phụ tùng xe đã hao mòn... Tối đến, anh trò chuyện cùng bạn bè, đọc tin tức ở Việt Nam và thế giới, rồi lại tính tiếp quãng đường sắp tới. Với anh, lúc này còn bận rộn hơn cả khi đi đường.
"Thật ra, mình đã hoàn thành mong muốn lăn bánh tới tất cả các châu lục rồi nên cũng tạm hài lòng", Khoa nói. Nếu dịch bệnh ổn định, mọi thứ trở lại bình thường, anh dự định sẽ trở lại Tanzania hay Kenya, rồi gửi xe tới các nước Đông Nam Á và bay về Việt Nam.
Nếu 3 tháng nữa tình hình không khả quan, anh buộc lòng phải để xe máy lại Mozambique và về trước. Khi nào có vắcxin phòng bệnh, anh sẽ quay trở lại tìm "người bạn" gắn bó với mình trong suốt hành trình và tiếp tục viết nốt chương nhật ký còn dang dở.
Lan Hương