Một nửa số ngân hàng trong top 10 giảm lãi so với cùng kỳ năm ngoái do mạnh tay trích lập dự phòng, dẫn tới bảng xếp hạng có sự xáo trộn lớn.
Những năm gần đây, ngân hàng luôn nằm trong nhóm những doanh nghiệp niêm yết có tốc độ tăng lãi cao nhất thị trường. Năm 2019, có 18 ngân hàng niêm yết tạo ra hơn 110.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 29% cùng kỳ. Tuy nhiên, quý I năm nay, những con số tăng trưởng đột biến không còn xuất hiện nhiều trên báo cáo tài chính các nhà băng. Thay vào đó là sắc đỏ trong tăng trưởng và sự trở lại của nợ xấu.
Trong nhóm 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý I/2020, một nửa số này ghi nhận thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, dẫn tới sự xáo trộn mạnh về thứ hạng. Ngay cả nhóm ba ngân hàng dẫn đầu, dù vị trí giữ nguyên nhưng chất lượng tăng trưởng bộc lộ nhiều vấn đề.
Vietcombank - ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống, báo lãi trước thuế riêng lẻ trong quý I năm nay giảm 11%, còn 5.119 tỷ đồng. Trong khi năm 2019, lãi quý I của nhà băng này tăng hơn 37%.
Sự chững lại của Vietcombank diễn ra ở hầu hết các chỉ tiêu. Thu nhập lãi thuần - "nồi cơm" chính của ngân hàng, chỉ tăng hơn 6%, trong khi cùng kỳ 2019 tăng 37,2%. Hoạt động dịch vụ chỉ tương đương, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng thấp, lãi thuần từ hoạt động khác giảm nhẹ.
Kết quả là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietcombank chỉ ngang với quý I/2019. Trong khi đó, chi phí dự phòng của ngân hàng tăng hơn 40% lên 2.150 tỷ đồng.
Dưới tác động của Covid-19, nợ quá hạn và nợ xấu của Vietcombank tăng nhanh trong ba tháng đầu năm. Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tăng hơn gấp đôi lên 5.000 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 và 4 cũng tăng thêm gần 470 tỷ đồng so với đầu năm.
Vietcombank không phải trường hợp duy nhất trong top đầu bị ảnh hưởng bởi nợ xấu. VietinBank - ngân hàng có lợi nhuận đứng thứ hai hệ thống cũng báo lãi trước thuế riêng lẻ trong quý I thấp hơn cùng kỳ 2019.
Khác với Vietcombank, các cấu phần hoạt động của VietinBank vẫn giữ sự tăng trưởng tích cực, nhất là khoản lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 18% cùng kỳ. Tuy nhiên, gánh nặng từ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng gần 36% trong quý I, kéo lợi nhuận VietinBank xuống thấp.
Đến cuối quý I, quy mô nợ quá hạn và nợ xấu của ngân hàng này đều tăng đột biến. Nợ nhóm 2 tăng hơn 2.200 tỷ so với đầu năm, trong khi nợ nhóm 3 tăng thêm gần 7.700 tỷ đồng. Tổng quy mô nợ nhóm 2-5 của VietinBank đến cuối quý I đạt gần 24.500 tỷ đồng, so với mức 16.200 tỷ đồng đầu năm.
Techcombank là ngân hàng duy nhất trong top 3 báo lãi tăng so với cùng kỳ, nhưng cũng chịu chung tình trạng như Vietcombank và VietinBank. Lợi nhuận trước thuế quý I tăng hơn 7% dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 30%. Nguyên nhân do dự phòng rủi ro tín dụng tăng 4,5% cùng kỳ.
Ở nhóm còn lại, sự hoán đổi vị trí giữa VPBank và BIDV là điểm đáng chú ý nhất. Xét trên báo cáo riêng lẻ, lợi nhuận quý I của VPBank gấp đôi cùng kỳ đạt hơn 2.074 tỷ đồng, giúp ngân hàng này đứng trong top 5 lợi nhuận cao nhất. Trong khi đó, BIDV báo lãi giảm 27% còn 1.646 tỷ đồng, lùi xuống vị trí thứ 7.
Với VPBank, đà tăng đến từ tất cả các cấu phần trong hoạt động kinh doanh, từ thu nhập lãi thuần, hoạt động dịch vụ, cho tới hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, chứng khoán kinh doanh. Tổng thu nhập hoạt động trong quý I của nhà băng này tăng hơn 37%. Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động tăng 12% và dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 15% - thấp hơn mức tăng của doanh thu.
BIDV là câu chuyện tương tự với VietcomBank và VietinBank khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ tăng hơn 2% so với cùng kỳ nhưng chi phí dự phòng rủi ro tăng hơn 15%. Hệ quả là lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này giảm 27%.
Bên cạnh vấn đề tăng mạnh dự phòng rủi ro do nợ xấu, một phần nguyên nhân lợi nhuận các ngân hàng giảm là việc chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Phó thống đốc Đào Minh Tú mới đây cho biết, lợi nhuận các ngân hàng quốc doanh năm nay phải giảm ít nhất 30-40% để hỗ trợ hạ lãi suất.
Đại diện một ngân hàng "Big 4"nói thêm, các chương trình hỗ trợ khiến thu nhập lãi, thu nhập từ phí giảm từ đó tác động tới lợi nhuận chung của ngân hàng.
Trước đó, trong báo cáo phân tích, các công ty chứng khoán cũng đánh giá, lợi nhuận các nàh băng trong năm nay sẽ bị tác động bởi diễn biến phức tạp của đại dịch.
SSI Research ước tính kết quả lợi nhuận thiếu khả quan của ngành ngân hàng sẽ được phản ánh rõ vào quý II/2020 khi thu nhập lãi, phí và thu hồi nợ xấu giảm xuống. Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng dự báo tăng 7,2% nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý II. Trong kịch bản xấu nhất khi Covid-19 diễn biến đến cuối năm, lợi nhuận của ngành ngân hàng chỉ tăng 0,8%.
Fitch Ratings mới đây cũng hạ triển vọng tín nhiệm của VietinBank, Vietcombank, ANZ Việt Nam, ACB và MB do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19. Theo đó, hãng xếp hạng tín nhiệm hạ VietinBank, Vietcombank và ANZ Việt Nam từ "Tích cực" xuống "Ổn định". Hai ngân hàng ACB và MB bị hạ từ mức "Ổn định" xuống "Tiêu cực".
Minh Sơn