Phần lớn nước cấm uống rượu bia nằm ở châu Phi, Trung Đông, Nam Á, với quy định khác nhau từ cấp phép tiêu thụ đến phạt không khoan nhượng.
Luật pháp tại từng miền đất mới là một trong những điều cần chú ý trong hành trình khám phá, bởi có . Dưới đây là những quốc gia cấm uống rượu bia du khách nên lưu tâm.
Singapore
Đảo quốc sư tử ban hành lệnh cấm tiêu thụ rượu bia nơi công cộng và mua bán đồ uống có cồn từ 22h30 đến 7h hàng ngày. Bất kỳ ai vi phạm có thể bị phạt tới 1.000 SGD (hơn 17 triệu đồng), và mức phạt lên tới 2.000 SGD (hơn hơn 34 triệu đồng) và 3 tháng tù cho trường hợp tái phạm.
Du khách không thể mua đồ uống có cồn tại Singapore sau 22h30, bởi những cửa hàng bán rượu bia ngoài giờ quy định có thể bị phạt đến 10.000 SGD (hơn 170 triệu đồng). Ảnh: Straits Times. |
Brunei
Vương quốc dầu mỏ này nghiêm cấm tiêu thụ rượu bia nơi công cộng và buôn bán đồ uống có cồn. Tuy nhiên, những du khách không theo đạo Hồi có thể mang theo 2 chai rượu và 12 lon bia mỗi người khi nhập cảnh. Khách nước ngoài cần khai báo với hải quan tại sân bay và chỉ uống rượu trong không gian riêng.
Maldives
Quần đảo này nổi tiếng với những bãi biển nước xanh như ngọc, resort cao cấp... và lệnh cấm tiêu thụ rượu bia với dân địa phương. Tuy nhiên, khách du lịch có thể sử dụng thức uống có cồn tại những resort, khách sạn và nhà hàng có giấy phép kinh doanh rượu bia.
Ấn Độ
Một số bang của Ấn Độ như Gujarat, Nagaland, và Bihar thực thi lệnh cấm nghiêm ngặt đối với các hoạt động mua bán và tiêu thụ đồ uống có cồn. Tại bang Manipur và Lakshadweep, lệnh cấm được áp dụng tại một số khu vực nhất định. Bang Kerala cũng có quy định hạn chế buôn bán và tiêu thụ rượu bia. Quy định ngày không rượu bia có hiệu lực vào những dịp festival đặc biệt tại một số bang, hoặc áp dụng trên cả nước trong dịp bầu cử và các ngày lễ tết như ngày cộng hoà (26/1), quốc khánh (15/8), Gandhi Jayanti (2/10).
UAE
Thức uống có cồn được bán tại UAE phải tuân theo những quy định chặt chẽ, trừ tiểu vương quốc Sharjah - nơi hoàn toàn cấm rượu bia. Tại Sharjah, chỉ những người được chính phủ cấp giấy phép tiêu thụ đồ uống có cồn mới có thể sở hữu rượu bia. Những người này thường không theo đạo Hồi và cũng chỉ có thể uống rượu bia trong nhà riêng. Hành vi tiêu thụ, mua bán hay bất kỳ hình thức sử dụng thức uống có cồn nào tại nơi công cộng đều bị nghiêm cấm, người vi phạm có thể bị phạt tù, phạt roi...
Tại các tiểu vương quốc khác của UAE, những nhà hàng, quán bar, khách sạn có thể bán hoặc phục vụ rượu, miễn là có giấy phép hợp lệ. Luật pháp nghiêm cấm uống rượu bia hoặc say xỉn nơi công cộng.
Khách nước ngoài không được mang quá 4 lít đồ uống có cồn hoặc hoặc 2 thùng bia (mỗi thùng gồm 24 lon, không quá 355 ml cho mỗi lon hoặc tương đương) khi nhập cảnh UAE. Ảnh: Luxe Adventure Traveler. |
Saudi Arabia
Là nơi thánh địa Mecca tọa lạc, vương quốc Hồi giáo này thực thi lệnh cấm hoàn toàn rượu bia. Mọi hành động sản xuất, nhập khẩu, mua bán và tiêu thụ rượu bia đều bị coi là phạm pháp tại đây. Lực lượng hải quan sẽ kiểm tra hành lý gắt gao để đảm bảo không ai có thể nhập cảnh mà mang theo thức uống có cồn.
Karl Andree, khách Anh 74 tuổi, đã bị cảnh sát tôn giáo Saudi Arabia bắt giữ vì tàng trữ rượu tự nấu. Andree phải ngồi tù hơn một năm, song được miễn hình phạt 360 roi vì tuổi tác và sức khỏe yếu.
Pakistan
Người Pakistan từng được phép uống rượu bia từ hơn 40 năm trước, kể từ khi quốc gia này độc lập. Tuy nhiên, việc tiêu thụ đồ uống có cồn đã bị cấm hoàn toàn từ khi cựu thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto lên nắm quyền, và vẫn còn hiệu lực ngay cả khi ông bị hạ bệ vào năm 1977. Hiện tại người dân Hồi giáo tại quốc gia này không được phép nấu rượu bia, buôn bán hay tiêu thụ đồ uống có cồn. Khách nước ngoài không theo đạo Hồi có thể uống tại những nơi được phép.
An An (Theo Fox)