Đã qua nhiều năm, anh Việt vẫn nhớ người thương binh vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt trầm ngâm khi thăm mộ đồng đội ở nghĩa trang Vị Xuyên.
Anh Nguyễn Văn Việt, 31 tuổi là hướng dẫn viên của Vietravel tại Hà Nội. Trong 9 năm làm nghề, anh có nhiều kỷ niệm khó quên với khách du lịch. Trong đó, anh khắc ghi nhất là chuyến đi Hà Giang năm 2013, khi một khách của đoàn là nhân chứng lịch sử trong chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979.
Anh Việt hiện là hướng dẫn viên chuyên tour Đông Nam Á. |
Anh Việt cho biết, ấn tượng của anh về người khách hơn 50 tuổi này là vóc dáng "bé tí xiu" với những bước đi nặng nhọc, mà về sau anh mới biết đó là những di chứng của chiến tranh. Trong chuyến đi, đoàn đã dành một tiếng thăm nghĩa trang Vị Xuyên, để tưởng nhớ những liệt sĩ đã mãi nằm lại nơi đây. Khi ấy, người khách lớn tuổi vốn không nói năng hoạt bát trong cả chuyến đi lại trở nên khỏe khoắn, đi lại nhanh nhẹn hơn. Ông tới từng ngôi mộ, trân trọng thắp những nén hương, rồi đứng lặng hồi lâu.
Khi cả đoàn trở lại xe, con gái của ông mới tiết lộ bố mình là người trực tiếp tham gia chiến đấu ở đây và may mắn sống sót trở về. "Gặp được một nhân chứng sống, trong giai đoạn lịch sử ấy tại chính nơi mình đi qua là một điều vô cùng may mắn. Vì vậy, tôi có khích lệ chú chia sẻ lại câu chuyện của mình cho cả đoàn được nghe", anh Việt nói.
Sau khi cầm mic trên xe, ông bắt đầu kể về giai đoạn chiến đấu năm 1988 - 1989. Khi đó, quân địch sử dụng pháo để tấn công, trên mặt trận bụi tung mù trời, không còn nhìn thấy gì ngoài màu trắng xóa. Những người lính bò lên ngọn đồi giáp biên giới, tiếp tục chống trả để chiếm lại cứ điểm. Sức người không thể chống lại với máy móc, vũ khí, tiểu đội của ông đã hy sinh gần hết. Do áp lực của pháo, ông rơi xuống một chiếc hầm, nhờ thế đã sống sót.
Vừa kể, người khách vừa khóc trong sự xúc động. Cả đoàn lúc ấy lặng đi, không ai nói lời nào. Anh Việt cho biết, sau đó khách trong đoàn đều tìm kiếm thông tin về cuộc chiến trên mạng, và chia sẻ họ chưa một lần được nghe những câu chuyện lịch sử như vậy.
"Riêng với tôi, dù không thể nhớ rõ từng chi tiết như tên tiểu đội nhưng cảm giác xúc động khi ấy thì không thể quên. Dường như có sự đồng cảm, vì trước đây bố tôi cũng tham gia chiến tranh biên giới ở Lạng Sơn", anh kể lại.
Sau chuyến đi, mỗi lần có dịp dẫn tour lên Hà Giang, anh lại sắp xếp đoàn tới thăm nghĩa trang và kể cho họ về người lính già năm xưa. Nhiều người khách chia sẻ rằng, nhờ câu chuyện mà họ cảm thấy mỗi nơi đi qua không chỉ còn là điểm ngắm cảnh, chụp ảnh đơn thuần. Ý nghĩa hơn, những nơi đó đều gắn với câu chuyện lịch sử ý nghĩa, về giai đoạn chiến đấu quên mình của những người anh hùng dân tộc.
Lan Hương