Hai từ khoá “corona beer virus” và “beer virus” tăng vọt trên toàn cầu khi dịch viêm phổi Vũ Hán ngày càng lan rộng.
Từ Mỹ đến Campuchia, và thậm chí ở Israel, Ireland và Singapore, người dùng Internet đang nhầm lẫn giữa hiệu bia Mexico và loại virus gây ra viêm phổi Vũ Hán, tờ SCMP bình luận.
Theo Google Trends, các tìm kiếm đầu tiên về "corona beer virus" xuất hiện hôm 9/1, ngày mà WHO cho biết các trường hợp viêm phổi ở Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) là do một chủng virus corona mới. Số lượt tìm kiếm gia tăng khi dịch bệnh bùng phát ra khỏi Trung Quốc, lan đến nhiều nơi như Đài Loan, Mỹ, Thái Lan và Việt Nam trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
"Corona" có nghĩa là "crown" (vương miện) trong tiếng Latin. Nó là tên hiệu bia nhưng cũng là tên của loại virus. Cụm từ "coronavirus" dùng để chỉ một họ virus có gai trên bề mặt giống như những chiếc vương miện nhỏ.
Virus gây ra viêm phổi Vũ Hán hiện là một chủng mới được phát hiện, được lấy tên là 2019 n-CoV. Trước đó, họ coronavirus bao gồm Sars-CoV, virus gây ra dịch bệnh hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (Sars) năm 2003 và Mers-CoV, gây ra hội chứng hô hấp Trung Đông (Mers) vào năm 2012.
Cùng là Corona nhưng tên hiệu bia có trước tên chủng virus khoảng 4 thập niên. Ảnh: Jirka Matousek |
Trong khi đó, bia Corona được lấy tên từ vương miện trang trí tại nhà thờ Đức Mẹ Guadalupe ở thị trấn Puerto Vallarta của Mexico. Loại bia này được ủ lần đầu tiên vào năm 1925, bốn thập kỷ trước khi chủng coronavirus đầu tiên được phát hiện.
Cụm "corona beer virus" được tìm kiếm nhiều nhất ở Campuchia, theo sau là Slovenia, Singapore, New Zealand và UAE. Còn từ khoá "Beer virus" được tìm kiếm nhiều nhất Singapore, rồi đến Latvia, Slovenia, Australia và Canada.
Hiện không rõ liệu các từ khóa tìm kiếm này đang trở nên phổ biến vì sự thiếu hiểu biết hay hài hước. Tuy nhiên, có khá nhiều ảnh chế lan tràn trên Internet về chủ đề tương tự. Đơn cử như hình ảnh một chai Corona đối diện với một nhóm chai Heineken đang đeo khẩu trang.
Một quán bar ở New Zealand gần đây đã cố gắng tận dụng trào lưu. Họ tiến hành giảm giá cho các loại bia Corona mỗi ngày. Bài đăng trên Facebook của quán kèm theo bức ảnh của hai người đàn ông trong bộ đồ y tế, đeo khẩu trang và cầm chai bia hiệu Corona.
Một số người dùng không thích chiến dịch, nói rằng dịch bệnh không phải là chuyện để đùa. "Hiện tại, New Zealand có thể không bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng những người này thực sự tệ và đáng xấu hổ khi sử dụng cái chết như một chiến lược tiếp thị", một người dùng bình luận. Sau đó, nhà phân phối của Corona tại New Zealand đã yêu cầu ngừng khuyến mãi.
Tại Singapore, không có quán bar nào ở khu trung tâm ghi nhận sự biến động doanh số của bia Corona hay dùng chiêu tiếp thị ăn theo dịch bệnh. Jessie Chew, chuyên gia tiếp thị lĩnh vực F&B, cho biết cô sẽ không gợi ý nhãn hàng ăn theo.
"Thực tế là khuyến khích bất kỳ sự hiểu lầm nào về một vấn đề nghiêm trọng là sai lầm. Và thành thật mà nói, tiếp thị liên tưởng giữa bia và virus thì không hay ho", cô nói. Tuy nhiên, cô cho biết các ảnh chế có thể là một cách hài hước để mọi người đối phó với đại dịch, miễn là công chúng biết rằng đó là châm biếm.
Chuyên gia tư vấn tiếp thị Pat Law cho rằng, các thương hiệu rất cần nắm bắt các chủ đề đang là trào lưu, nhưng phải hiểu rõ bối cảnh của nó. "Một quy tắc đơn giản là tránh xa các tin tức liên quan đến sức khỏe bởi vì đây là một vấn đề nghiêm trọng và người ta nên tôn trọng", Law nói.
Đến hiện tại, dù có chút phiền toái vì "tai bay vạ gió" bởi viêm phổi Vũ Hán do hiểu nhầm hoặc trở thành đề tài "mua vui", giá cổ phiếu chốt phiên hôm thứ ba của công ty sở hữu hiệu bia Corona không bị ảnh hưởng tiêu cực.
"Chúng tôi tin rằng, nhìn chung, người tiêu dùng hiểu rằng không có mối liên hệ nào giữa virus và doanh nghiệp của chúng tôi", Maggie Bowman, đại diện cho nhà sản xuất Constname Brand của Corona, nói với Business Insider hôm thứ Tư.
Đây không phải là lần đầu tiên tên của một căn bệnh và sản phẩm F&B bị trùng tên. Trong cuộc khủng hoảng Aids vào những năm 1980, một loại bánh kẹo ức chế sự thèm ăn có tên Ayds đã bị giảm 50% doanh số. Và hiện tại, ngoài nhầm lẫn giữa bia và virus, hàng loạt tin đồn sai sự thật liên quan đến viêm phổi Vũ Hán cũng đang xuất hiện trên Internet nhiều nước.
Phiên An (theo SCMP)