Nhật Bản Tấm biển Glico Running Man là biểu tượng của thành phố và là một trong những điểm được du khách ghé thăm nhiều nhất ở Osaka.
Khi mặt trời lặn, những con phố dọc bờ kênh Dōtonbori lại sáng rực ánh đèn từ những bảng quảng cáo, màn hình TV, biển hiệu nhấp nháy đèn led. Tuy nhiên, lọt giữa hàng trăm bảng hiệu hiện đại là tấm biển quảng cáo lâu đời nhất. Tấm biển cao 33 m vẫn ở nguyên nơi nó được gắn lên từ 84 năm trước, gần cầu Ebusu-bashi, với hình vẽ một người đàn ông đang chạy bộ mang tên Glico Running Man.
Tấm biển quảng cáo nổi bật bên trái bờ kênh Dōtonbori. Ảnh: Osaka Station. |
Câu chuyện về tấm biển quảng cáo bắt đầu vào năm 1921, khi Glico-Caramel, sản phẩm đầu tiên của công ty bánh kẹo Glico, ra đời. Ri-ichi Ezaki, người sáng lập công ty, đã đặt tên cho các loại caramen theo glycogen, một loại năng lượng dự trữ trong cơ thể con người. Kẹo được giới thiệu là một nguồn năng lượng và mỗi viên chứa chính xác lượng calo đủ để người ăn chạy 300 mét. Trên hộp là hình Glico Man đang chạy vượt qua vạch đích và chiến thắng một cuộc đua. Glico-Caramels được tung ra thị trường vào ngày 11/2/1922. Cùng ngày, Công ty Ezaki Glico chính thức được thành lập.
Ezaki Glico tiếp tục sản xuất Glico-Caramel và hình ảnh Glico Man vui vẻ là gương mặt đại diện của công ty trong nhiều năm. Năm 1935, một tấm bảng Glico Man được đặt dọc theo kênh đào Dōtonbora. Nó vẫn ở vị trí trong 33 năm, cho đến 1998, nó được cập nhật với bảng quảng cáo như hiện nay, giữa vô số biển hiệu hào nhoáng được dựng lên ở Dōtonbori trong những năm qua. Từ đó tấm biển Glico Running Man - đã trở thành một biểu tượng của thành phố và là một trong những điểm được du khách ghé thăm nhiều nhất ở Osaka, cũng là nơi những đội tuyển thể thao ăn mừng chiến thắng.
Khách du lịch tạo dáng với Glico Running Man. Tấm biển được tân trang lần gần nhất là từ năm 2014. Ảnh: ATMX. |
Một đồ ăn vặt sớm vượt qua Glico-Caramel về mức độ phổ biến trong nước và quốc tế chính là bánh Pocky, cũng thuộc thương hiệu này. Những chiếc bánh mì que Pretzel phủ chocolate xuất hiện trên thị trường Nhật Bản vào năm 1966, và được bán ở một số quốc gia trên thế giới, đôi khi dưới một cái tên khác. Tuy nhiên, một số phiên bản Pocky được du khách nước ngoài tìm kiếm nhiều nhất là những hương vị đặc trưng chỉ có ở Nhật Bản, như quýt, đậu đỏ và dưa.
Lịch sử của khu Dōtonbori bắt đầu từ năm 1612 khi Yasui Doton, một thương nhân, đầu tư toàn bộ vốn cá nhân của mình vào một dự án phát triển địa phương đầy tham vọng. Ngày nay, Dōtonbori được biết đến như một thiên đường cho người đam mê ẩm thực, với các nhà hàng, quầy hàng thức ăn và quán bar san sát bên đường.
Nơi thu hút đông du khách nhất là đoạn giữa cầu Daikokubashi và Nippombashi trên kênh Dotonbori, trung tâm là cầu Ebisubashi. Bạn có thể dễ dàng đến đây từ ga tàu điện ngầm Namba, chỉ cách đó bốn phút đi bộ.
Bảo Ngọc (Theo Culture Trip)