Tính toán kinh tế đêm có thể giúp tăng 5-8% GDP, ông Cấn Văn Lực đề xuất lập Ban chỉ đạo hoặc bổ nhiệm các “CEO đêm” để khai thác mô hình này.
- Những thành phố lớn trên thế giới đều coi kinh tế ban đêm là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế, chiếm khoảng 5-10% GDP và tạo ra hàng triệu việc làm. Theo ông, Việt Nam nên nhìn nhận như thế nào về mô hình này?
- Kinh tế đêm là tập hợp các hoạt động kinh tế - văn hóa, bao gồm ẩm thực, nghệ thuật, giải trí, sự kiện, hoạt động du lịch về đêm, từ 18h đến 0h và từ 0h đến 6h sáng hôm sau. Ước tính sơ bộ cho thấy kinh tế đêm có thể góp phần tăng quy mô GRDP của tỉnh hay thành phố, GDP của nền kinh tế (khoảng 5-8% GDP). Ngoài ra, nền tảng của kinh tế đêm không phải là công nghiệp mà dựa trên sự kết hợp giữa hai động lực chính là "kinh tế và văn hóa", trong đó, phổ biến nhất là các loại hình thư giãn, giải trí, dịch vụ, du lịch. Nhờ đó, kinh tế sẽ phát triển bền vững hơn là chỉ tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp.
TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ, tài chính quốc gia. Ảnh: Giang Huy. |
Thêm nữa, kinh tế đêm góp phần tăng giá trị cho nhiều ngành như bán lẻ, vận tải, dịch vụ và các ngành công nghiệp sáng tạo như phim ảnh, ca nhạc, nghệ thuật trình diễn. Việc đảm bảo cho chúng phát triển một cách an toàn và nghiêm túc chính là góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Một đóng góp quan trọng khác là nó thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ và các hoạt động khác, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp. Chưa kể, nó sẽ gắn chặt với du lịch, góp phần mang lại những yếu tố văn hóa mới, "quốc tế hóa" văn hóa bản địa.
- Tiềm năng là vậy, nhưng tại Việt Nam, kinh tế đêm vẫn chưa phát triển, theo ông, nguyên nhân gì khiến nó bị "bỏ quên"?
- Đa số cơ quan quản lý chung suy nghĩ là không muốn phức tạp hóa vấn đề, hoặc chưa có ý định khai thác do nghĩ rằng quản lý kinh tế ban ngày đã đủ. Tuy nhiên, kinh tế đêm là tiềm năng, mang lại nhiều lợi ích, quan trọng hơn là đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân, doanh nghiệp và du khách.
Ngay cả khi chưa được khai thác thì kinh tế đêm vẫn âm ỉ hoạt động ở Việt Nam. Tại Hà Nội, không hiếm thấy những hình thái của kinh tế đêm là hoạt động kinh doanh, giải trí tại những tuyến phố như Đê La Thành, Tạ Hiện... sau 12h đêm. Khi lực lượng công an, trật tự phường đến "dẹp" các cơ sở này, nhưng chỉ cần họ đi là cửa lại được mở và đèn lại sáng. Điều này thể hiện tư duy "không làm được thì cấm", khiến kinh tế đêm càng bị quên lãng.
- Vậy theo ông, Việt Nam nên tiếp cận kinh tế đêm theo hướng nào?
- Để khai thác, cần tập trung vào ba trụ cột chính là: cơ chế, chính sách và quy định; đầu tư cơ sở hạ tầng cho những nơi phù hợp đi kèm nguồn nhân lực liên quan. Với nguồn nhân lực chẳng hạn, tôi tạm định danh 3 lực lượng tham gia vào kinh tế đêm, gồm những người tận hưởng - tiêu dùng của kinh tế đêm (du khách, người xem phim, đi pub, bar, xem hát kịch, khách đi bộ...).
Thành phố London nhìn từ trên cao trong đêm. Ảnh: Hospitality & catering news |
Tiếp nữa là lực lượng làm việc ban đêm như những chủ cơ sở kinh doanh, nhân viên bảo vệ, an ninh, nhân viên trong ngành giải trí, giao thông vận tải, nhà hàng, khách sạn, vệ sinh môi trường, điện, nước, y tế, phòng cháy chữa cháy.... Và cuối cùng, lực lượng quản lý kinh tế đêm (gồm công an, cảnh sát, một bộ phận thuộc khối cơ quan quản lý hành chính công...).
Để quản lý tốt cần đào tạo, tập huấn, tuyên truyền và nâng cao trình độ cho ba đối tượng này; nhất là lực lượng 2 và 3 vì họ lâu nay chỉ quen với làm việc ban ngày. Lao động về đêm sẽ rất khác, phức tạp hơn; riêng lực lượng 1 (người tận hưởng) cần được tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động đúng mực.
- Thủ tướng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu về mô hình kinh tế đêm. Vậy theo ông, những thách thức nào chúng ta có thể phải đối mặt?
- Để khai thác, quản lý được phải vượt qua nhiều thách thức, mà trước tiên, chính là tư duy "không quản được thì cấm" của cơ quan quản lý với những mặt sau của kinh tế đêm. Nhưng như tôi đã phân tích, những hình thái của kinh tế đêm vẫn diễn ra cho dù có cấm cản.
Ngoài ra, kinh tế đêm là mô hình, vấn đề mới nên chưa có kinh nghiệm quản lý. Vừa qua, một số địa điểm cho phép thí điểm kinh doanh vui chơi, giải trí muộn (Hà Nội và TP HCM) nhưng thất bại, do thiếu kinh nghiệm nhưng không học hỏi và chưa được làm đến nơi, đến chốn.
Một khó khăn khác đặt ra là làm thế nào để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu cho phép hoạt động đáp ứng nhu cầu của các lực lượng nêu trên với việc đảm bảo an toàn, an ninh, không phát sinh thêm những mặt trái, biến tướng.
Và cuối cùng, quan trọng hơn cả, là quy hoạch, quản lý để những người không tham gia vào kinh tế đêm không bị ảnh hưởng. Tôi rất đồng tình với câu nói của Thị trưởng London,"với kinh tế đêm, làm sao để mọi người cùng thoải mái, hạnh phúc".
- Ông nghĩ những bước đi đầu tiên sẽ là gì?
- Do kinh tế đêm là vấn đề mới, khá phức tạp, nên cho phép làm thí điểm trước ở một vài thành phố lớn và chỉ khoanh vùng ở một số khu vực, tuyến phố, ban đầu có thể từ 18h đến 2h sáng. Đồng thời, nên khảo sát người dân và doanh nghiệp ở khu vực đó để tìm hiểu nhu cầu, mức độ sẵn sàng ngay từ đầu.
Tiếp nữa là xây dựng hành lang pháp lý một cách tổng thể theo hướng quản lý hợp lý chứ không phải thắt chặt, có cơ chế động lực giai đoạn đầu ưu đãi về tiền điện, thậm chí cả về thuế..., cơ chế ghi nhận, thù lao cho lực lượng quản lý kinh tế đêm.
Ngoài ra, do đây là lĩnh vực liên ngành, Chính phủ có thể thành lập Ban chỉ đạo, khu phố bổ nhiệm chức danh "Nhà quản lý kinh tế đêm", các doanh nghiệp thương mại - du lịch - dịch vụ cũng nên có "CEO kinh doanh đêm" như mô hình của Trung Quốc.
Thứ nữa, cần quy định rõ những sản phẩm, dịch vụ nào sẽ được phép cung cấp. Theo kinh nghiệm quốc tế, chúng sẽ gồm: nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường; âm nhạc, phim ảnh, nghệ thuật, lễ hội; thăm quan, du lịch, đi bộ, tập gym; thương mại (mua sắm, cửa hàng tiện lợi)...
Một khi đã coi kinh tế đêm là khu vực kinh tế thì cũng phải có đầu tư cơ sở hạ tầng, sản phẩm phù hợp và đảm bảo an toàn (quan trọng nhất là an ninh, giao thông đi lại, y tế, phòng cháy chữa cháy...); có thống kê, báo cáo minh bạch; đồng thời đưa kinh tế đêm vào tính quy mô và đánh giá bản chất của nền kinh tế.
Ngọc Hà
Tiến sĩ Cấn Văn Lực hiện là Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV và cũng là Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương.