Khảo sát của Anphabe cho thấy, nhóm nhân sự có mức lương trên 80 triệu một tháng, trung bình cứ 2 người sẽ có một người muốn nghỉ việc.
Thời gian gần đây, nhân sự cao cấp như giám đốc, tổng giám đốc trong các doanh nghiệp tại Việt Nam liên tục "nhảy" việc dù có mức lương hấp dẫn. Các giám đốc nhân sự cho biết, có CEO vừa về làm việc tại doanh nghiệp được 2-4 tháng đã nhanh chóng xin nghỉ với nhiều lý do dù nhà quản trị liên tục đưa ra mức lương cao hơn so với ban đầu.
Khảo sát mới đây của Anphabe cũng cho thấy, xu hướng nhân sự rời bỏ doanh nghiệp đang ở mức báo động. Tỷ lệ nghỉ việc tại Việt Nam tăng liên tục trong vòng 3 năm qua và dự báo cán mốc báo động 24%.
Nhiều nhân sự muốn chuyển việc dù thu nhập cao. Ảnh: GK |
Đặc biệt có 3 nhóm ra đi tiềm ẩm rủi ro cho doanh nghiệp. Trong đó ở cấp bậc nhân viên, nhóm lương dưới 10 triệu đồng một tháng có tỷ lệ cao nhất 29%. Tiếp đến là nhóm trẻ (thế hệ 9X) cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác. Đáng nói là, ngay cả dù hài lòng về môi trường làm việc, vẫn có hơn 17% dự tính nghỉ trong vòng một năm tới.
Riêng với nhóm thâm niên dưới 2 năm có rủi ro nghỉ việc cao nhất, đặc biệt ở cấp quản lý và giám đốc cao hơn hẳn các mức thâm niên khác. Phân tích trên mức lương, nhóm nhân viên có lương trên 80 triệu đồng một tháng, trung bình cứ 2 người sẽ có một người muốn nghỉ.
"Mặc dù tỷ lệ nghỉ việc chỉ chiếm 1%, nhóm nhân viên cấp cao là quản lý, giám đốc đang là nhóm mà các doanh nghiệp trăn trở nhất và phải nỗ lực giữ lại", bà Thanh Nguyễn, CEO của Anphabe nhấn mạnh và cho rằng nguyên nhân khiến nhóm này dù có mức lương cao từ 80 triệu đồng trở lên vẫn rời bỏ doanh nghiệp vì nằm trong đích ngắm của các tổ chức "săn đầu người".
Theo khảo sát, 65% nhân sự lương từ 80 triệu đồng trở lên thừa nhận được các đơn vị "săn đầu người" liên lạc trung bình 3 lần trong năm qua. Một phần ba trong số này chia sẻ, họ được liên lạc tới 10 lần, nên trong lúc đang "hơi chán" công việc hiện tại, các đề nghị hấp dẫn như cơ hội thu nhập cao hơn và kế hoạch nghề nghiệp tốt hơn... khiến họ dao động. Bà Thanh cho biết, trong quá trình khảo sát, nhiều nhân sự cao cấp đã nói rằng "nhiều tiền mà không có thời gian tiêu, nhiều tiền mà không có sức khỏe thì vô nghĩa".
Để giữ chân nhân tài, khảo sát chỉ ra 4 yếu tố then chốt quyết định việc đi hay ở của nhân sự là thu nhập, kế hoạch nghề nghiệp, thương hiệu nhà tuyển dụng và cân bằng công việc – cuộc sống. Song song đó, nhà quản lý cần nhạy cảm với các biểu hiện kiệt sức của nhân viên, đặc biệt là nhóm giỏi và quan trọng cần có cách thức hỗ trợ phù hợp, nếu không sẽ nhanh chóng gặp cảnh "thất thoát đáng tiếc".
Bà Trịnh Mai Phương, Phó chủ tịch phụ trách nhân sự Công ty Unilever Việt Nam khuyên doanh nghiệp cần thay đổi cách quản lý nhân sự theo cách linh hoạt. Trong đó, cán bộ nhân viên được làm chủ công việc của mình, họ có thể đề xuất cho người quản lý những công việc muốn làm. Thay vì kiểm soát chặt chẽ thì nhà quản lý cần trao quyền cho nhóm nhân sự chuyên trách. Song song đó, thay vì quản lý chi tiết, trong doanh nghiệp tùy theo cấp bậc mà chia ra các nhóm nhỏ khác nhau. Mỗi nhóm sẽ phụ trách một nhóm công việc đặc thù để họ có thể tạo ra sản phẩm nhanh hơn và tương tác giữa các thành viên trong nhóm dễ dàng hơn.
Thi Hà