Điều không phải ai cũng biết về Tử Cấm Thành

Trung Quốc Trong suốt triều đại nhà Minh - Thanh, Tử Cấm Thành luôn là biểu tượng cho quyền lực, nơi ẩn chứa những "báu vật" văn hóa của Trung Quốc.

Trong hơn 500 năm, Tử Cấm Thành là một bí ẩn với dân thường vì không phải ai cũng được phép ra vào. Ngày nay, Cố cung thu hút khoảng 20.000 du khách tham quan mỗi ngày. 

Tử Cấm Thành - quần thể cung điện bằng gỗ lớn nhất thế giới. Ảnh: IFLY

Tử Cấm Thành - quần thể cung điện bằng gỗ lớn nhất thế giới. Ảnh: Ifly.

Phiến đá cẩm thạch nặng hàng trăm

Bằng cách nào người Trung Quốc từ thời xa xưa đã có thể xây dựng cả một khu quần thể khổng lồ này vẫn là một bí ẩn với nhân loại trong thời gian dài. Kiến trúc độc đáo của quần thể cung điện còn nằm ở những hình chạm khắc rồng phượng cầu kỳ trên các phiến đá cẩm thạch khổng lồ. Phiến lớn nhất có chiều dài 16,8 m và rộng 3 m nằm trước khu vực điện Thái Hòa.

Phiến đá cẩm thạch được chạm khắc tinh xảo trước Điện Thái Hòa. Ảnh: IFLY

Phiến đá cẩm thạch được chạm khắc tinh xảo trước Điện Thái Hòa. Ảnh: IFLY

Gần đây, các nhà khoa học kết luận rằng phiến đá nặng hàng trăm tấn này có thể được vận chuyển trên đường băng. Những kỹ sư đã cho đào hàng trăm giếng nhỏ dọc đường đi, khi đến mùa đông thì làm cho đường ngập nước, nhiệt độ thấp khiến nước trở thành một lớp băng trên mặt đất. Bằng cách này, chỉ cần một số lượng khoảng 50 công nhân đã có thể vận chuyển phiến đá khổng lồ này.

Ý nghĩa sắc vàng, đỏ

Màu sắc chiếm một vai trò quan trọng trong Tử Cấm Thành. Màu vàng là biểu trưng cho quyền lực tối thượng, dành riêng cho bậc quân vương. Thực tế mọi thứ vua chạm vào hay mặc lên người đều là màu vàng: từ y phục, giường chiếu, gạch lát sàn đến bát đũa ăn hàng ngày. Thậm chí những mái ngói trong Tử Cấm Thành cũng là ngói lưu ly được tráng một lớp men màu vàng để thể hiện rõ thiên uy của của hoàng đế.

Mái ngói hoàng lưu ly và tường đỏ là điểm đặc trưng cho lối kiến trúc cung đình của Tử Cấm Thành. Ảnh: IFLY

Mái ngói hoàng lưu ly và tường đỏ là điểm đặc trưng cho lối kiến trúc cung đình của Tử Cấm Thành. Ảnh: IFLY

Màu đỏ trong văn hóa Trung Hoa mang ý nghĩa của sự sinh sôi nảy nở và là màu của may mắn, vì thế tất cả cung điện và tường thành đều có màu đỏ. Tuy nhiên, màu này cũng tượng trưng cho lửa. Đó là lý do mái của thư phòng là nơi duy nhất của Tử Cấm Thành có màu đen thay vì vàng. Màu đen tượng trưng cho nước và dập tắt ngọn lửa trong trường hợp bị hỏa hoạn.

Thuật phong thủy

Một trong những yếu tố quan trọng để quyết định vị trí của Tử Cấm Thành là phong thủy. Đó là một học thuyết có tầm ảnh hưởng trong văn hóa Trung Quốc chuyên nghiên cứu sự tác động của thiên nhiên đến vận mệnh, họa phúc của con người. Một yếu tố quan trọng khác của phong thủy là sự đối xứng. Do đó bố cục của Tử Cấm Thành hầu hết được thiết kế đối xứng. Những cung điện quan trọng nhất đều nằm trên trục Bắc – Nam ở trung tâm và các cung khác được sắp đặt đối xứng hai bên.

Số 9

Hình rồng trang trí trên mái của cung điện gắn liền với truyền thuyết

Hình rồng trang trí trên mái của cung điện gắn liền với truyền thuyết "Long sinh cửu phẩm" của người Trung Quốc. Ảnh: IFLY

Không khó để bắt gặp sự hiện hữu của số 9 trong Tử Cấm Thành, đây cũng là con số chiếm vị trí quan trọng trong quan niệm về số học của người Trung Quốc. Số 9 đại diện cho cực dương và hoàng đế. Để có thể tiếp cận được với vua thì phải đi qua 9 cánh cổng.

Tử Cấm Thành cũng có 9.999 căn phòng, ít hơn một căn so với 10.000 phòng ở trên Thiên Cung – nơi mà Ngọc Hoàng Đại Đế cai quản trong truyền thuyết. Trên nóc Cung Điện Hoàng Gia trang trí 9 hình linh thú giống rồng, trên Đại môn (cửa chính) cũng thường gắn 81 chiếc núm đinh 9 dọc, 9 ngang.

Bí mật cuối cùng

Mặc dù Tử Cấm Thành đã mở cửa đón du khách từ lâu, có một nơi vẫn hoàn toàn là bí ẩn với nhiều người. Khi hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh Ái Tân Giác La Phổ Nghi bị trục xuất khỏi Tử Cấm Thành năm 1924, "báu vật" bí ẩn bậc nhất nơi này – vườn Càn Long – đã bị niêm phong. Nhưng vài năm tới, khu vườn bí mật này sẽ được ra mắt công chúng. 

Khu vườn được xây dựng để vua an dưỡng. Càn Long ban chiếu chỉ không ai được phép thay đổi hiện trạng của khu vườn ngay cả khi ông băng hà. Do vậy những nội thất bằng tre, tranh lụa, đồ trang trí khảm ngọc và đồ thủy tinh có từ thế kỷ 18 đều được bảo tồn ở trạng thái nguyên vẹn. Việc khôi phục bắt đầu từ năm 2008 và khu vườn sẽ mở của trở lại vào năm 2020.

Năm 1402, Minh Thành Tổ Chu Đệ lên ngôi hoàng đế và quyết định dời đô từ Nam Kinh về Bắc Kinh. Tại đây, Minh Thành Tổ trực tiếp chỉ đạo xây dựng Tử Cấm Thành. Hàng triệu nhân công đã làm việc trong suốt 14 năm để hoàn thành việc công trình phức tạp và tốn kém này.

Năm 1421, hoàng đế chuyển vào sống trong quần thể cung điện và Bắc Kinh trở thành thủ đô mới. Từ đây, Tử Cấm Thành lần lượt được cai trị bởi 24 vị vua (giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh). Năm 1912, hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc thoái vị.

Trang Anh (Theo Ifly Magazine)

Let's block ads! (Why?)