Stockholm, Thụy Điển
Stockholm là thành phố đầu tiên đăng quang Thủ đô xanh châu Âu năm 2010. Kể từ khi nhận giải thưởng, thủ đô của Thụy Điển tiếp tục phát triển các sáng kiến xanh và giảm thành công 25% lượng khí thải carbon so với những năm 1990.
Thành phố đặt mục tiêu không có nhiên liệu hóa thạch (loại nhiên liệu có chứa hàm lượng carbon và hydrocacbon cao) vào năm 2050. Biện pháp được quốc gia này áp dụng là cải thiện giao thông công cộng, cắt giảm chất thải và tăng cường đa dạng sinh học.
Stockholm cũng được biết là thành phố lý tưởng để đạp xe. Ở đây có 760 km đường dành riêng cho xe đạp và có khoảng 150.000 người đi lại bằng phương tiện này mỗi ngày. Ảnh: Thomas Fabian/Flickr.
Wellington, New Zealand
Thủ đô ven biển Wellington là một trong những khu vực đông dân nhất của New Zealand với hơn 400.000 người. Theo Telegraph, bên cạnh yếu tố dân số ít và nhiều gió biển, chương trình tiết kiệm năng lượng và dự án quản lý chất thải của các nhà chức trách đã giúp thành phố trở nên trong sạch.
Ủy viên hội đồng Wellington, Simon Woolf cho biết, người dân thủ đô rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Wellington còn có nhiều cây xanh ở vành đai và hành lang phía Tây. Ảnh: Pixabay.
Canberra, Australia
Canberra là thủ đô nhỏ bé với gần 400.000 cư dân. Đây cũng là một lợi thế về môi trường của thành phố so với những nơi đông dân hơn.
Ngoài ra, Canberra được mệnh danh là thủ đô xanh của Australia với vườn ươm rộng 250 ha với khoảng 44.000 cây xanh. Thành phố là một trong những nơi sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong sản xuất điện, bên cạnh các thành phố của Áo, Đức và Tây Ban Nha. Ảnh: Martin Ollman/500px.
Ottawa, Canada
Vào năm 1950, một kiến trúc sư Pháp đã đề xuất tạo vành đai xanh rộng hơn 32.000 ha trong thành phố. Điều này đã giúp đẩy lùi những tác động của phát triển đô thị đến môi trường.
Đặc biệt, thành phố cũng có một chương trình chia sẻ xe đạp, khuyến khích người dân sử dụng loại phương tiện này. Cùng với dân số ít hơn 900.000 người, Ottawa đã trở thành một trong những thủ đô sạch nhất thế giới. Ảnh: Spudge.
Edinburgh, Scotland
Thủ đô của Scotland từng được biết đến với tên Auld Reekie, ám chỉ sự ô nhiễm do khói bụi độc hại và mùi hôi thối của nước thải. Từ những năm 1770, Edinburgh đã thay đổi lớn với dự án quy hoạch và xây dựng đô thị mới. Đến nay, thành phố trở thành một trong những thủ đô sạch nhất châu Âu. Ảnh: Pixabay.
Montevideo, Uruguay
Với hơn một triệu dân, thành phố này nổi tiếng với những bãi biển, kiến trúc thuộc địa và vườn nho. Cùng với không khí trong lành, Montevideo được mệnh danh là một trong những thủ đô thoải mái nhất của Nam Mỹ. Ảnh: Encycliopedia Britannica.
Tallinn, Estonia
Với thiết kế từ thời trung cổ, thành phố được xây dựng với những bức tường hùng vĩ và con đường rải sỏi hẹp. Vì vậy đây không phải là nơi lý tưởng để lái xe hơi hay bất kỳ loại xe cơ giới nào khác. Cùng với lợi thế vị trí ven biển và không gian nhiều cây xanh, thủ đô của Estonia đã xuất hiện trong danh sách những thành phố ít ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh: Visit Estonia.
Helsinki, Phần Lan
Chính quyền Helsinki đang xây dựng hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao, hướng tới việc giảm thiểu xe hơi trong thành phố vào năm 2025. Hiện nay, đường xe đạp dài hơn 3.800 km ở thủ đô Phần Lan nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân. Ảnh: Pixabay.
Monaco
Nổi tiếng với cuộc đua F1 hàng năm và sở thích lái xe hơi, ngồi du thuyền của người dân, Monaco gây nhiều bất ngờ khi có mặt trong bảng xếp hạng thủ đô sạch nhất châu Âu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, thành phố đầy nắng này có nồng độ PM 2.5 thấp do dân số giảm (38.000 người) và không có công nghiệp. Ảnh: Boris Strowko/Fotolia.
Madrid, Tây Ban Nha
Người dân ở Madrid yêu thích đi bộ ra đường để giải trí hơn là lái xe. Ở đây, các quán bar và nhà hàng xuất hiện phổ biến trên hầu hết con phố.
Ngoài ra, giao thông cộng cộng với giá cả hợp lý đã giúp Madrid có tên trong danh sách những thủ đô ít ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh: Times Of India.
Lan Hương (Theo Telegraph)