'Canh bạc' của Mỹ - Trung sau đợt áp thuế mới

Ông Trump nghĩ rằng kinh tế Mỹ mạnh hơn nên Trung Quốc sẽ nhượng bộ, còn Bắc Kinh thì 'cược' là nước này chịu đựng được.

Nhà máy của Yong Du Shoes mà ông Bruce Xu làm tổng giám đốc đặt tại miền nam Trung Quốc, chuyên sản xuất ủng cao bồi bằng da thật và hầu hết được xuất khẩu sang Mỹ. Nhà máy sản xuất 800.000 đến một triệu đôi ủng cao bồi mỗi năm. Cuộc chiến thương mại gần đây khiến nhà máy gặp nhiều khó khăn. Ông thừa nhận tình cảnh sắp trở nên tồi tệ hơn.

Tờ New York Times bình luận, mười bốn tháng trong cuộc chiến thương mại, công nhân, người tiêu dùng, chủ nhà máy và nhiều người phụ thuộc vào thương mại của Mỹ lẫn Trung Quốc sắp phải đối mặt với thử thách lớn nhất.

Công nhân làm việc tại Yong Du Shoes tại Hồ Châu, Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Giulia Marchi 

Công nhân làm việc tại Yong Du Shoes tại Hồ Châu, Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Giulia Marchi 

Chủ nhật vừa qua, Mỹ bắt đầu áp thuế 15% đối với số hàng hóa trị giá hơn 100 tỷ USD của Trung Quốc, bao gồm cả những chiếc ủng của ông Xu. Trước đó, ông Trump đã áp mức thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa nước này cho hàng loạt sản phẩm, từ ôtô đến các bộ phận máy bay. Mức thuế sẽ tăng lên 30% vào đầu tháng tới.

Bắc Kinh trả đũa bằng tăng thuế quan cũng vào ngày Chủ nhật đó. Cả hai chính phủ đã lên lịch áp thuế nhiều hơn lẫn nhau thời gian tới. Nói cách khác, hai bên đã chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể kéo dài hơn cuộc bầu cử vào năm tới của Mỹ, bất kể hậu quả thế nào.

Dù có những lo ngại về cuộc suy thoái sắp tới tại Mỹ nhưng ông Trump tin rằng nền kinh tế nước này mạnh hơn Trung Quốc. Và vì vậy, Bắc Kinh sẽ phải nhượng bộ. Trong khi đó, dù tăng trưởng chậm lại nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đặt cược rằng nền kinh tế nước này đủ sức khỏe để vượt qua sức ép của ông Trump.

Phía Trung Quốc tin rằng những nỗ lực của chính họ trong việc thắt chặt tín dụng, chứ không phải chiến tranh thương mại, mới là nhân tố đang kìm hãm nền kinh tế. Và nếu cần, họ có thể cởi trói các giới hạn gần đây về tăng trưởng tín dụng để thúc ép kinh tế tăng trưởng trở lại.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng ngày càng bi quan về khả năng đạt được thỏa thuận toàn diện với ông Trump, do phong cách đàm phán thất thường của ông cũng như các lời đe dọa mới được đưa ra chỉ một tuần trước.

Đó là lý do Bắc Kinh không có dấu hiệu lùi bước. Họ đã thực hiện các biện pháp để giảm tác động của cuộc chiến thương mại đối với người tiêu dùng và các công ty, và gợi ý khả năng dùng đồng nhân dân tệ (CNY) làm vũ khí đánh trả.

Vấn đề là, nếu cuộc chiến thương mại gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc thì thế giới sẽ mất đi động lực tăng trưởng kinh tế lớn nhất trong những năm gần đây. Một cuộc xung đột thuế quan kéo dài cũng có thể buộc các công ty Mỹ thậm chí phải tìm những nơi khác để xây nhà máy. Đây có thể là quá trình phức tạp và tốn kém, làm giảm năng suất của họ trong nhiều năm tới.

Cả hai bên đang xem xét các giải pháp để giúp doanh nghiệp của mình chịu đựng cuộc chiến. Ông Trump đã tăng cường viện trợ cho nông dân và dự tính cắt giảm thuế. Chính phủ Trung Quốc thì nhờ kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế nên có nhiều lựa chọn hơn, bao gồm "làm ngập hệ thống tài chính bằng tiền" hoặc tăng cường chi tiêu của chính phủ.

Hôm thứ ba, chính quyền trung ương của Trung Quốc đã công bố các biện pháp nhằm trao quyền hơn cho người mua sắm, bao gồm giảm giá khi mua thiết bị và nới lỏng các hạn chế liên quan đến giao thông đối với việc kinh doanh ôtô. Nước này cũng đang cố gắng tìm thị trường mới cho các nhà máy của Trung Quốc, bao gồm việc cố gắng đạt được thỏa thuận thương mại với hầu hết khu vực phía đông và nam châu Á trước tháng 11/2019.

Trung Quốc trước đó đã cố gắng trực tiếp giúp các doanh nghiệp nhỏ nguy cơ bị sụp đổ bởi cuộc chiến thương mại. Hồi tháng 5, tỉnh Chiết Giang tiết lộ kế hoạch trị giá 30 tỷ USD cắt giảm thuế và chi phí pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ.

Tuy nhiên, dấu hiệu của sự căng thẳng không khó tìm. Tại thành phố Hồ Châu (Chiết Giang), khi khảo sát tác động của cuộc chiến thương mại vào tháng 12/2018, giới chức địa phương nhận được tin một công ty có tên Tianzhen Bamboo Flooring đang sa thải công nhân và cố gắng mở các thị trường mới ở châu Âu và Canada. Đến đầu tuần này, Tianzhen xác nhận đã cắt bớt công nhân và không gặp nhiều may mắn tại các thị trường mới.

Chiến lược của Trung Quốc có hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách các doanh nhân như ông Xu vượt qua những tháng tới. Công ty ông có khoảng 700 công nhân tại Đông Quan, một thành phố công nghiệp gần Thâm Quyến và Hong Kong. Thuế quan của ông Trump, chỉ là một trong nhiều chi phí đang gia tăng, bao gồm cả lương công nhân.

"Cứ năm này qua năm khác, lợi nhuận của chúng tôi ngày càng mỏng", ông Phillip Lee - nhà tư vấn cho Yong Du Shoes thừa nhận.

Ngay cả việc hạ giá CNY cũng là một sự cân bằng tạm thời, ông Lee nói. Khi tỷ giá thay đổi, người mua ở nước ngoài cũng nhanh chóng yêu cầu đàm phán lại các thỏa thuận. "Khách hàng rất nhanh. Họ nhìn ra vấn đề ngay", ông Lee bày tỏ. Điều này khiến Yong Du chỉ còn lại những lựa chọn không mấy hấp dẫn.

Phiên An (theo The New York Times)

Let's block ads! (Why?)