Doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ quay cuồng vì đòn thuế mới của Trump

Với Adrian Sawczuk - chủ một xưởng bia thủ công tại Nam Carolina, 15% thuế nhập khẩu là quá lớn và phi lý.

Adrian Sawczuk có niềm đam mê rất lớn với bia. Anh đã tự làm bia tại nhà 10 năm nay và gần đây quyết định mở công ty. Tidal Creek Brewhouse sẽ làm bia thủ công tại gia, phục vụ người dân và khách du lịch vùng Myrtle Beach, Nam Carolina.

Năm ngoái, họ thuê một nhà xưởng và đang trong giai đoạn xin giấy phép. Tidal dự kiến đặt hàng 300.000 USD thiết bị từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngày 1/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột thông báo sẽ với gần như mọi sản phẩm còn lại từ Trung Quốc. Và hôm qua, ông nâng thuế này lên 15%.

Thiết bị nấu bia là một trong các mặt hàng sẽ bị đánh thuế. Hiện tại, kế hoạch của Sawczuks gần như tê liệt. 15% thuế với 300.000 USD thiết bị là quá lớn với một doanh nghiệp nhỏ. "Với tôi, số tiền đó là một khoản thuế vô lý", anh nói.

Bên ngoài nhà xưởng của Tidal Creek Brewhouse. Ảnh: WPDE

Bên ngoài nhà xưởng của Tidal Creek Brewhouse. Ảnh: WPDE

Anh muốn đặt hàng từ nhà sản xuất trong nước, nhưng không nhiều công ty tại Mỹ đưa ra mức giá phù hợp. Bên cạnh đó, nếu tất cả nhà máy bia đột ngột chuyển sang mua hàng trong nước, nguồn cung cũng sẽ không đủ.

Vì thế, Sawczuks dự định giảm giá trị đơn hàng để tránh nộp thuế cao. Anh thậm chí hoãn ngày khai trương công ty. Ban đầu, họ dự định mở cửa vào mùa thu năm nay. Hiện tại, quý I/2020 có vẻ sẽ khả thi hơn. Anh cũng giảm kế hoạch nhân sự xuống dưới 15 người.

Dù vậy, bằng cách này hay cách khác, họ vẫn phải chịu thuế nhập khẩu. "Một là các cổ đông của tôi kiếm được ít tiền hơn. Tôi sẽ trả lương nhân viên thấp hơn. Hoặc phải tăng giá với khách hàng", Sawczuk nói.

Sawczuk không phải người duy nhất giận dữ. Win Cramer – CEO JLab Audio cũng gặp thách thức tương tự. JLab thành lập năm 2005 tại Arizona (Mỹ) và dần phát triển thành một thương hiệu tai nghe có khả năng cạnh tranh với các hãng lớn. Sản phẩm của họ được bán tại nhiều hãng bán lẻ trên khắp nước Mỹ, như Kohl’s, Best Buy, Walmart và Home Depot.

Ban đầu, thiết bị của họ nằm trong danh sách chịu thuế từ năm ngoái. Sau đó, nó được gỡ bỏ. Và giờ lại bị đưa vào nhóm bị đánh thuế từ ngày 1/9. "Chúng tôi không thể lên kế hoạch kinh doanh nổi. Vì sự bất ổn này, các quyết định của công ty ngày càng ngắn hạn hơn", ông than thở.

Cramer cho biết hoạt động sản xuất ông cần không được đáp ứng tại Mỹ. Vì thế, JLab thiết kế sản phẩm tại California và sản xuất tại Trung Quốc. "Quan niệm chúng ta có thể làm ra những thứ này ở Mỹ là một sai lầm. Chuỗi cung ứng đó chưa bao giờ tồn tại và hiện nay cũng vậy", Cramer nói.

JLab đã đặt hàng thiết bị cho quý IV và số sản phẩm này đang được chuyển đến. Nhưng chúng cập cảng sau ngày 1/9, khi thuế nhập khẩu có hiệu lực. "Mất 15% lợi nhuận trong một đêm đúng là rất khó chấp nhận", Cramer cho biết.

Công ty này hiện có 50 nhân viên trên toàn quốc và đang tìm cách cắt giảm chi phí. Cramer trước đó muốn thuê thêm 3 người trong quý IV. Nhưng kế hoạch này đã bị hoãn lại. "Mọi thứ đều cần xem xét đã", ông nói.

Holiday House là một trong những hãng xuất bản đầu tiên tại Mỹ tập trung cho khách hàng trẻ em. Nhiều năm qua, phần lớn hoạt động in ấn của họ đều thực hiện ở Trung Quốc. Dù sách trẻ em được hoãn áp thuế đến ngày 15/12, ngành công nghiệp này vẫn bị xáo trộn. Hàng loạt hãng xuất bản đang tìm cách chuyển hoạt động in ấn ra các nước khác ở châu Á.

"Mỹ và Canada cũng có nhiều xưởng in màu đẹp. Nhưng họ không có đủ quy mô phục vụ cả ngành công nghiệp, và giá cả cũng gấp đôi mức anh có thể trả", Derek Stordahl – một lãnh đạo cấp cao của Holiday House cho biết.

Họ đã chuyển bớt sản xuất sang một đối tác tại Malaysia. Tuy nhiên, việc in ấn có thể bị chậm lại, do rất nhiều hãng xuất bản khác cũng đang cạnh tranh giành đối tác ngoài Trung Quốc. "Chúng tôi sẽ lỡ vài hạn chót phát hành sách mùa Giáng sinh này, vì sự hỗn loạn trên thị trường", Stordahl cho biết.

Stordahl không hiểu nổi vì sao họ lại mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. "Chẳng có gì là công nghệ cao trong việc in sách cả. Cũng chẳng có bí mật thương mại nào ở đây hết", ông than thở.

Bên trong xưởng sản xuất của Eastman tại Trung Quốc. Ảnh: Eastman

Bên trong xưởng sản xuất của Eastman tại Trung Quốc. Ảnh: Eastman

Eastman Music là một hãng sản xuất và bán buôn nhạc cụ. CEO công ty – Qian Ni từ Trung Quốc sang Mỹ học đại học năm 1986. Cha ông đã giúp ông tìm nguồn violin từ Trung Quốc để bán cho các cửa hàng tại Mỹ. Khi nhận thấy nhu cầu tăng cao, Qian Ni mở công ty tại Mỹ và nhà máy ở Bắc Kinh để sản xuất nhạc cụ. Hiện tại, họ đã có hơn 1.000 nhân viên trên toàn cầu.

Việc sản xuất nhạc cụ đều phải làm thủ công bởi thợ tay nghề cao và lâu năm. Vì vậy, việc chuyển sản xuất để né thuế không phải là ý kiến hay, Giám đốc Tài chính Zachary Maltzman cho biết.

Eastman sẽ phải nâng giá một số sản phẩm khi thuế mới có hiệu lực. Tuy nhiên, họ cũng không rõ việc này sẽ có tác động thế nào đến người tiêu dùng. Vì Eastman không phải hãng bán lẻ. Họ cung cấp sản phẩm cho các cửa hàng và trường học.

Maltzman không biết người tiêu dùng sẵn sàng trả bao nhiêu và đến mức nào sẽ ngừng mua. Anh chỉ biết chắc chắn rằng "Trung Quốc không phải gánh chi phí này".

Hà Thu (theo CNBC)

Let's block ads! (Why?)