4 thách thức với những người làm hướng dẫn viên

Có những năm, anh Dũng - hướng dẫn viên nội địa, không có bữa cơm gia đình vào ngày Tết bởi không thể từ chối lịch trình tour.

Trong Trần Trí Dũng (39 tuổi), hướng dẫn viên (HDV) của Vietravel từ năm 2005 đã chia sẻ một số điều du khách thường hiểu nhầm về HDV. Trong nhiều năm làm nghề, anh Dũng cho biết có nhiều khó khăn mà HDV phải vượt qua để hoàn thành công việc.

Hướng dẫn viên Trần Trí Dũng chuyên các tour nội địa.

Hướng dẫn viên Trần Trí Dũng chuyên các tour nội địa.

Nguy hiểm luôn rình rập với HDV

Khoảng 8 năm trước, tôi dẫn một đoàn khách từ miền Bắc du lịch Đà Lạt. Sau khi đón khách ở Nha Trang, chúng tôi di chuyển đến phố núi. Lúc chuẩn bị các thủ tục check-in khách sạn, một nhóm thanh niên tiếp cận tôi và hỏi thăm về việc đưa đoàn khách đến điểm mua mứt của họ. Tôi từ chối và bị đánh ngay tại đó, nhưng may mắn thoát được nhờ sự giúp đỡ của những người có mặt tại sảnh. Đó là lần đầu tiên tôi gặp họ và sau này mới biết nhóm thanh niên này là "cò".

Khoảng 16h, sau khi khách cất đồ và nghỉ ngơi, chúng tôi tham quan vườn hoa thành phố. Nhóm thanh niên trên tiếp tục tìm đến tôi gây gổ. Bên cạnh cảm giác sợ hãi, tôi rất cảm kích khi nhận được những lời động viên từ du khách: "Anh có cần hỗ trợ gì không?", "Chúng tôi có giúp được gì hay không?"...

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp mà anh em HDV phải đối mặt trong nghề. Nguy hiểm có thể đến bất kỳ lúc nào, chúng tôi phải luôn bình tĩnh để đối mặt.

Đôi khi phải "không cảm xúc"

Nhiều đồng nghiệp của tôi kể rằng gia đình họ có suy nghĩ HDV là công việc sung sướng, được đi Đông đi Tây và nhiều tiền. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống của một HDV không hoàn toàn "sung sướng" như thế.

Ngoài việc đảm bảo mọi việc suôn sẻ từ lúc nhận tour đến khi kết thúc hành trình, chúng tôi còn phải biết cách đem lại niềm vui cho người khác dù đó là lúc mình không vui. HDV khi lên tour không được phép mang theo cảm xúc giận hờn một ai đó. Thậm chí, HDV không thể để chuyện buồn hay sự mất mát trong cuộc sống thường nhật ảnh hưởng đến du khách. Có thể có người sẽ nói chúng tôi "đang diễn" nhưng đây là công việc. 

Học cách đánh đổi

Ngày Tết cổ truyền là khoảng thời gian dành trọn cho gia đình, mọi người trở về, sum vầy. Tuy nhiên, với HDV, đây là lúc chúng tôi phải hoạt động "hết công suất". Có những năm, tôi không có bữa cơm gia đình vào ngày Tết nhưng vì tính chất công việc, tôi không thể nào từ chối tour.

Khi đi tour vào dịp này, tôi thường phải tạo không khí ngày Tết cho khách, cũng như cho chính mình. Tôi thèm được lì xì nên chuẩn bị những hồng bao cho các em nhỏ. Tôi xem khách như một gia đình để làm những điều tốt đẹp cho họ.

Luôn trau dồi kiến thức

Tôi gọi HDV là "người chia sẻ kinh nghiệm". Với tôi, đó sẽ là một thất bại nếu không trả lời được bất kỳ câu hỏi nào của khách khi đi tour.

Thế giới thay đổi từng ngày giờ. Mỗi ngày tại mỗi điểm đến đều có sự đổi mới. HDV phải tìm hiểu về sự thay đổi đó, trau dồi và cập nhật liên tục để có thể đem lại cho du khách nhiều thông tin hữu ích nhất có thể.

Mời độc giả theo dõi những câu chuyện nghề từ các hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm của  tại chuyên mục Tư vấn để tham khảo thêm thông tin hữu ích trên đường du lịch.

Let's block ads! (Why?)