Thời của kinh doanh 'siêu kết nối'

Một "thế giới siêu kết nối" (Hyperconnected World) trong thương mại đang được định hình tại Singapore Fintech Festival 2018. Đó là ý tưởng ở bất kỳ đâu, doanh nghiệp có thể đặt hàng trực tiếp các nhà sản xuất vi mô và xa xôi. Ví dụ  nhà hàng tại Singapore mua thực phẩm của nông hộ tại Nigeria hay Kenya.

Không thiếu những ý tưởng tương tự thế đang được các "ông lớn" trong lĩnh lực công nghệ, tài chính nghĩ ra. Mastercard TRACK TM - một nền tảng thương mại B2B đơn giản hóa, số hóa và tăng cường tiếp cận cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đến các thị trường toàn cầu là một ví dụ. Hiện nền tảng này đã hoạt động ở Singapore thông qua NTP (Networked Trade Platform).

Các chuyên gia của Mastercard, ICICI Bank, Circle Internet Financial, Monex Group trong một phiên thảo luận tại Singapore Fintech Festival 2018. Ảnh: Viễn Thông

Các chuyên gia của Mastercard, ICICI Bank, Circle Internet Financial, Monex Group trong một phiên thảo luận tại Singapore Fintech Festival 2018. Ảnh: Viễn Thông

"Chúng tôi nhận thấy các SME phải đối mặt với những thách thức đáng kể về hiểu biết, tích hợp công nghệ để phát triển. Và chúng tôi đã triển khai nhiều cách như làm việc chặt chẽ với chính phủ và doanh nghiệp. Ngoài sự hỗ trợ nền tảng , gần đây chúng tôi dùng cách tiếp cận tích hợp hơn để giúp SME số hóa chuỗi cung ứng của họ", ông Ari Sarker - Đồng chủ tịch Mastercard Châu Á - Thái Bình Dương nói.

DBS Group và Singtel cũng bắt tay hợp tác để tung ra nền tảng 99%SME mới đây. "Từ tháng tới, các SME có thể tận dụng nền tảng thương mại điện tử B2B của chúng tôi trên 99%SME. Đây này là bệ phóng để các SME bán hàng hóa và dịch vụ cho các tập đoàn lớn, hưởng lợi từ các kết nối chuỗi cung ứng, tài chính và các giải pháp thanh toán thường dành cho công ty lớn hơn", ông Joyce Tee - Phụ trách khách hàng SME của DBS Group tuyên bố.

Khơi dòng chảy dữ liệu 

Nhiều chuyên gia cho rằng, tương lai của thế giới thương mại siêu kết nối, nơi cung cầu từ lớn nhất đến bé nhất, xa nhất đến gần nhất có thể làm việc trực tiếp, nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm, được tạo lập từ việc khơi thông dòng chảy dữ liệu toàn cầu. Và những lý thuyết đã biến thành thực tiễn, ít ra là tại Singapore.

Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) và Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm (IMDA) đang hợp tác với 6 đối tác gồm GlobalLinker, Mastercard, SAP, Yellow Pages và 99%SME để tạo ra trung tâm giải pháp kỹ thuật số và dữ liệu - Proof of Concept (POC), hay còn gọi là chương trình 'Business sans Borders'. Sáng kiến sẽ dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo thuận lợi cho việc quốc tế hóa và số hóa SME.

MAS nói rằng các tính năng của POC sẽ được phát triển và thử nghiệm trong quý I/2019. Trong đó, công cụ AI kết hợp liền mạch cung - cầu giữa các hệ sinh thái SME ở nhiều nơi khác nhau.

"Trung tâm dữ liệu và giải pháp này sẽ được hỗ trợ bởi các dịch vụ tài chính sáng tạo với AI. Chúng tôi tin rằng 'Business sans Borders 'sẽ chuyển đổi tích cực các nền kinh tế Đông Nam Á và hơn thế", Sopnendu Mohanty - Giám đốc Fintech của MAS nói.

Ông Ari Sarker - Đồng chủ tịch Mastercard Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Viễn Thông

Ông Ari Sarker - Đồng chủ tịch Mastercard Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Viễn Thông

Ông Ari Sarker nói rằng kết nối là thách thức ở hầu hết quốc gia ngày nay. Tuy nhiên, chi phí kết nối giảm nhanh nên khả năng kết nối tăng lên. Ví dụ như Ấn Độ đã vươn lên Top 5 về lượng sử dụng dữ liệu chỉ 2 năm qua. Nếu muốn có một thế giới siêu kết nối thì công nghệ và dữ liệu cần kết hợp với nhau và khơi thông dòng chảy dữ liệu toàn cầu. Điều đó không chỉ có lợi trong thương mại.

"Nếu bạn có chỉ một vùng dữ liệu nội địa thì bạn không thể có một cái nhìn toàn cảnh những mối nguy, gian lận lừa đảo đang diễn ra trong thời gian thực trên thế giới", chuyên gia này nhận định.

Đồng quan điểm, ông D.K.Sharma - CEO PruVista Capital nói rằng có rất nhiều cơ hội để đưa dữ liệu lại với nhau. "Vấn đề là sự hợp tác, chứ bạn không thể làm mọi thứ một mình được", ông nói.

Khi dữ liệu càng kết nối thì AI càng thông minh, dịch vụ cung cấp cũng nhờ thế thỏa mãn hơn. Ông Steve Flinter - Phụ trách về Trí tuệ nhân tạo và Máy học của Mastercard Labs nói AI sẽ là công nghệ cốt lõi tiếp theo trong ngành tài chính và hơn thế nữa.

AI có thể xác định người dùng hơn nhưng yêu cầu bắt buộc thông thường như mật khẩu hay mã sinh trắc học. Nó còn phân tích được thao tác, cách nhấn và lướt trên ứng dụng đó có đúng là chủ tài khoản hay người lạ. Trong các dịch vụ khác, nó cũng phát huy vai trò tích cực.

"Bạn đến các thành phố khác nhưng không biết ăn ở đâu thì AI có thể gợi ý  những nhà hàng để có những món ăn như quê nhà", ông Steve Flinter mô tả.

Nỗi lo và trách nhiệm

Hiệu quả của kết nối dữ liệu và ứng dụng AI trong kinh doanh có thể hình dung được, nhưng mối nguy từ nó cũng không khó tưởng tượng. "Nguy cơ nằm ở chỗ nếu không kiểm soát hệ thống tốt thì nó có thể được dùng vào những mục đích xấu", ông Steve Flinter thừa nhận.

MAS và các công ty đã tính đến những điều đó. Cơ quan này vừa ban hành bộ nguyên tắc FEAT trong việc sử dụng dữ liệu. "Nguyên tắc chính là nền tảng để hệ sinh thái phân tích dữ liệu và AI phát triển mạnh. Khi ngành công nghiệp tài chính khai thác AI và phân tích dữ liệu ngày càng lớn thì chúng tôi nhận thức được việc sử dụng các công nghệ này phải có trách nhiệm và đạo đức", tiến sĩ David Hardoon của MAS nói.

Ông Ari Sarker cho rằng việc tạo nhận thức về thế giới siêu kết nối với các chính phủ rất quan trọng. Để có một hệ thống an toàn hơn, các nước cần hợp tác với nhau để có một tiêu chuẩn toàn cầu. Đối với những người lo lắng xa hơn về viễn cảnh công nghệ làm con người mất việc và mất kết nối, những "cái đầu lớn" không nghĩ như vậy.

"Công nghệ không phải là kẻ cắp việc làm. Có người từng lo ngại về máy tính cướp đi việc làm nhưng cuối cùng nó tạo ra rất nhiều công việc mới. Chúng tôi tin vòng phát triển như vậy. Tôi chỉ lo ngại các chính phủ có đủ thức tỉnh và kịp thời để bắt kịp sự phát triển đó hay không", Ari nêu quan điểm.

Bất chấp số ít lo lắng, tiền vẫn đổ vào startup nói chung và Fintech nói riêng. "Chúng tôi đã thấy dòng tiền đổ vào Fintech ở Indonesia, Việt Nam hay Malaysia chứ không chỉ Ấn Độ, với hàng tỷ USD qua hàng chục thương vụ đầu tư mỗi năm", ông Ari Sarker nhận xét.

Đó là diễn biến dễ hiểu khi những tham vọng khai thác kinh doanh trên dòng chải dữ liệu, tạo ra một thế giới siêu kết nối, nơi có đủ chỗ cho những thành phần kinh tế bé nhỏ nhất, không thể thiếu đóng góp của Fintech. Bản thân Mastercard cũng tuyển mộ khoảng 40 startup mỗi năm, với 30% là Fintech.

"Tôi rất phấn khích về cách mà thế giới tốt hơn và nhanh hơn như thế nào. Đây là thời điểm rất thú vị", bà Cassie Kozyrkov - Người đứng đầu các nhà khoa học chủ chốt của Google nói rằng công nghệ giúp con người chạm đến được nhiều người hơn chứ không làm họ cô độc và rời xa nhau.

Viễn Thông

Let's block ads! (Why?)