Người Venezuela không dám đi ôtô vì thiếu xăng

Veronica Perez (Valencia, Venezuela) đã quá quen với việc thiếu nhu yếu phẩm triền miên tại Venezuela. Bà thường lái chiếc Chevrolet Aveo xám đi từ siêu thị này đến siêu thị khác để tìm thực phẩm.

Nhưng giờ đây, bà đã phải bỏ thói quen này, vì thiếu xăng - thứ lẽ ra phải dư thừa tại quốc gia có dự trữ dầu lớn nhất thế giới. "Giờ tôi chỉ làm những gì cực kỳ cần thiết thôi", Perez cho biết.

Lượn lờ tìm kiếm, xếp hàng nhiều giờ và trạm xăng đóng cửa từ lâu đã khiến người dân các thành phố biên giới Venezuela khổ sở. Nạn buôn lậu xăng qua các nước láng giềng cũng phổ biến, do chính sách trợ giá hào phóng của hãng dầu mỏ quốc doanh PDVSA khiến giá xăng tại Venezuela trở nên cực rẻ. Tiền mua một kg pho mát có thể giúp họ đổ xăng tới 20.000 lần.

Dòng người xếp hàng trước cửa siêu thị cạnh dãy ôtô chờ mua xăng tại San Cristobal. Ảnh: Reuters

Dòng người xếp hàng trước cửa siêu thị cạnh dãy ôtô chờ mua xăng tại San Cristobal. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, từ cuối tháng 10, các thành phố ở những vùng trung tâm đông đúc nước này, như Valencia hay thủ đô Caracas cũng bắt đầu thiếu xăng, do sản xuất dầu thô tại Venezuela lao dốc và sản lượng xăng tại các nhà máy lọc dầu đi xuống. Đây là hậu quả sau 5 năm Venezuela chìm vào suy thoái.

Năm ngoái, Venezuela sản xuất hơn 2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, tháng 9 năm nay, con số này chỉ còn 1,4 triệu thùng. Tính trung bình năm nay, Venezuela sản xuất 1,53 triệu thùng mỗi ngày - thấp nhất gần 7 thập kỷ, theo số liệu của OPEC. Những ách tắc trong việc vận chuyển xăng từ nhà máy lọc dầu, các trung tâm phân phối và cảng biển đến trạm xăng cũng ngày càng trầm trọng, khiến nhiên liệu càng thiếu hụt.

Dù gần đây, nguồn cung tại Caracas và Valencia đã được phục hồi sau thời kỳ gián đoạn kéo dài, người Venezuela vẫn buộc phải thay đổi thói quen hàng ngày. Việc này có thể là cú giáng vào nền kinh tế được dự báo GDP giảm tới hai chữ số năm nay. Với những người Venezuela đang đối mặt với thiếu lương thực, thuốc men, điện, siêu lạm phát, thiếu xăng càng khiến họ giận dữ.

"Tôi rất sợ hết xăng đây này. Nó đã thay đổi cuộc sống của tôi quá nhiều", Elena Bustamante - một giáo viên tiếng Anh 34 tuổi tại Valencia cho biết.

GDP Venezuela đã co lại hơn một nửa từ khi Tổng thống Nicolas Maduro nhậm chức năm 2013. Giá dầu giảm và nguồn thu từ dầu thô đi xuống đã khiến nền kinh tế này gặp khó. Dầu thô hiện đóng góp hơn 90% kim ngạch xuất khẩu cho Venezuela.

Bất chấp nhu cầu nội địa đi xuống do suy thoái, ngành dầu mỏ Venezuela vẫn khó sản xuất đủ xăng. Nhu cầu xăng nước này ước tính giảm còn 325.000 thùng mỗi ngày trong tháng 10, chỉ bằng nửa sản lượng cách đây một thập kỷ. Tuy nhiên, PDVSA được dự báo có thể chỉ cung cấp được 270.000 thùng.

Việc tăng giá xăng, theo cam kết cải tổ của ông Maduro hồi tháng 8, có thể khiến nhu cầu giảm sâu. Tuy vậy, nó vẫn chưa có hiệu lực.

Sản xuất dầu tại Venezuela từ lâu đã xuống dốc, do nhiều năm không được đầu tư. Các lệnh trừng phạt của Mỹ càng khiến vấn đề tài chính trở nên phức tạp.

Lĩnh vực lọc dầu được đầu tư để sản xuất 1,3 triệu thùng nhiên liệu mỗi ngày. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các nhà máy hiện chỉ hoạt động với một phần ba công suất.

Nhà máy lớn nhất - Amuay hiện chỉ sản xuất 70.000 thùng một ngày, dù công suất là 645.000 thùng, Reuters trích lời một nguồn tin thân cận từ PDVSA cho biết. PDVSA đã cố bù đắp thiếu hụt bằng cách tăng nhập khẩu, mua tới một nửa lượng xăng cần thiết, số liệu công ty này cho biết.

Trong 8 tháng đầu năm, Venezuela nhập khẩu từ Mỹ trung bình 125.000 thùng mỗi ngày, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, việc chậm trễ trong dỡ hàng tại cảng đã góp phần gây ra thiếu hụt, do cảng dầu của Venezuela được thiết kế hỗ trợ xuất khẩu hơn là nhập khẩu.

Một số sản phẩm không đạt yêu cầu cũng khiến PDVSA phải thu hồi, càng khiến nguồn cung tại Caracas thiếu hụt. Nguyên nhân là PDVSA phải nhập xăng từ "các nhà cung cấp không đáng tin cậy", khi các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến nhiều công ty không dám giao thương với Venezuela, Reuters trích lời một nguồn tin cho biết.

Thiếu xăng đã khiến Andres Merida - một nhà hoạt động tự do tại Valencia không thể đến buổi họp với khách hàng tuần trước. "Trước đây, tôi có người chở đi. Nhưng vì thiếu xăng, giờ ông ấy không cho tôi đi nhờ nữa, kể cả khi tôi trả tiền. Ông ấy nói muốn tiết kiệm xăng để bản thân dùng", ông cho biết.

Hà Thu (theo Reuters)

Let's block ads! (Why?)