Năm 2019 nên đổ tiền vào đâu?

Báo cáo Triển vọng Chiến lược Toàn cầu của Morgan Stanley cho năm 2019 cho thấy ngân hàng đầu tư này chuộng cổ phiếu các nền kinh tế mới nổi hơn Mỹ, do tình hình tại đây khởi sắc. Morgan Stanley cũng nâng đánh giá cho cổ phiếu các thị trường này, từ "giảm tỷ trọng" thành "tăng tỷ trọng" trong danh mục đầu tư năm 2019. Đánh giá với cổ phiếu tại Mỹ ngược lại.

"Chúng tôi cho rằng thời kỳ giá xuống gần như đã chấm dứt với các thị trường mới nổi", báo cáo nhận định, ám chỉ cổ phiếu tại các thị trường này có thể sớm tăng giá.

Người dân trên một con phố ở Mumbai (Ấn Độ). Ảnh: Reuters

Người dân trên một con phố ở Mumbai (Ấn Độ). Ảnh: Reuters

Rất nhiều nhà đầu tư đã rút khỏi các thị trường mới nổi trong năm 2018 và mua nhiều tài sản ở Mỹ, do lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt và đồng bạc xanh mạnh lên. Cùng lúc đó, tài chính tại các nước như Thổ Nhĩ Kỳ hay Argentina lại xuống cấp, khiến nhà đầu tư càng có lý do bán tài sản tại các thị trường mới nổi.

Chỉ số MSCI các thị trường mới nổi đã mất 16% năm nay. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Morgan Stanley, chỉ số này sẽ tăng 8% trong vòng một năm tới. Tốc độ này còn cao hơn 4% dự báo của S&P 500 và MSCI châu Âu.

Morgan Stanley dự báo năm tới, các nền kinh tế này sẽ tăng trưởng ổn định. Tốc độ tăng trưởng từ 4,8% năm nay sẽ về 4,7% năm tới, sau đó quay lại mốc 4,8% năm 2020. 

Trong khi đó, GDP Mỹ có thể chỉ tăng 2,3% năm tới và 1,9% băm 2020, giảm so với 2,9% dự báo năm nay. Sự chậm lại này sẽ làm giảm triển vọng của đôla Mỹ, giúp các nước mới nổi dễ thở hơn với các khoản vay bằng USD.

Trong nhóm nước mới nổi, Morgan Stanley đánh giá "tăng tỷ trọng" với Brazil, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Peru và Ba Lan, còn "giảm tỷ trọng" với Mexico, Philippines, Colombia, Hy Lạp và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Nhà băng này còn đề cập đến "cổ phiếu giá trị" và "cổ phiếu tăng trưởng" trên toàn cầu. Cổ phiếu giá trị chỉ các công ty niêm yết có giá giao dịch dưới mốc họ cho là hợp lý. Còn cổ phiếu tăng trưởng thuộc về các công ty có nhiều tiềm năng phát triển. "Chúng tôi nhận thấy cổ phiếu giá trị tập trung vào các ngành tài chính, nguyên vật liệu, năng lượng, điện- nước - khí đốt", Morgan Stanley cho biết.

Dù vậy, nhìn chung, họ không quá lạc quan với thị trường cổ phiếu toàn cầu. Morgan Stanley đánh giá "trung lập" với tài sản này năm 2019, tương tự trái phiếu chính phủ. Họ liệt kê ba yếu tố "làm giảm sự nhiệt tình với cổ phiếu". Một là các rủi ro suy giảm với tăng trưởng toàn cầu năm tới. Hai là lợi nhuận các công ty có khả năng đi xuống đáng kể, đặc biệt tại Trung Quốc và châu Âu. Cuối cùng là sức ép từ tăng lương và chi phí đi vay tăng, khiến tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) bị hạn chế.

Hà Thu (theo CNBC)

Let's block ads! (Why?)