Đề xuất để một Bộ là đầu mối quản lý chi đầu tư công

Chiều 16/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Đại biểu Trần Quang Chiểu (Uỷ ban Tài chính Ngân sách) cho rằng, sửa luật này phải tập trung quản lý ngân sách nhà nước về một mối, kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Ông Chiểu nhấn mạnh, Việt Nam có được hôm nay là nhờ đã chi nhiều triệu tỷ đồng để kiến thiết, xây dựng. Tuy vậy, việc sử dụng nguồn lực chi cho đầu tư phát triển chưa đạt được kỳ vọng, chưa tương xứng với số tiền bỏ ra.

"Nguyên nhân rất quan trọng là quản lý ngân sách nhà nước còn phân tán. Do vậy, cần đưa nhiệm vụ quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước hay còn gọi là đầu tư công về một Bộ quản lý", ông nói.

Vị đại biểu tỉnh Nam Định cho hay, hiện ở nước ta, ngân sách nhà nước do hai cơ quan quản lý. Ví dụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư quản lý phân bổ chi đầu tư trong khi chi thường xuyên lại do Bộ Tài chính, dẫn đến tình trạng nguồn lực phân tán, chồng chéo, thiếu thống nhất, làm giảm hiệu quả chi. 

Phân tích sâu hơn, đại biểu dẫn chứng, việc lập kế hoạch đầu tư do Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì thiếu sự gắn kết với khả năng cân đối thu ngân sách nhà nước và khả năng vay trả nợ. Thu ngân sách lại do Bộ Tài chính chủ trì nên kế hoạch đầu tư thiếu bền vững, không có sự gắn kết với dự báo ngân sách nhà nước hàng năm, kế hoạch trả nợ vay hàng năm cũng như kế hoạch tài chính trung hạn nên quản lý chi đầu tư tăng.

Đại biểu Trần Quang Chiểu phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Trung tâm báo chí QH

Đại biểu Trần Quang Chiểu phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Thứ hai, việc đầu tư phải theo một quy trình đầy đủ từ đưa dự án vào kế hoạch, triển khai, giải ngân, quyết toán, bảo hành, bảo dưỡng công trình và đánh giá hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, trong tất cả quy trình trên, Bộ Kế hoạch Đầu tư chỉ thực hiện nhiệm vụ phân bổ kế hoạch, vốn đầu tư trong nước, nguồn ngân sách nhà nước, không nắm rõ hết được các quy trình khác. Đặc biệt, theo ông, Bộ thiếu sự theo dõi sau đầu tư để đánh giá và bố trí nguồn vốn nên phân bổ kế hoạch đầu tư thường dàn trải, thiếu bền vững. Tuổi thọ các công trình thường ngắn, đầu tư đi đầu tư lại nhiều lần gây thất thoát, lãng phí. Do vậy không thể đánh giá một cách toàn diện, chính xác của việc đầu tư.

"Việc phân chia hai cơ quan quản lý dẫn đến thông tin với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng về chi tiêu ngân sách nhà nước là không đầy đủ, không làm rõ được trách nhiệm của từng bên trong quản lý, đánh giá hiệu quả", ông Chiểu nói.

Theo Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách, sau giai đoạn chiến tranh, Việt Nam đã tập trung khôi phục cơ sở vật chất bị tàn phá và kiến thiết đất nước nên yêu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn. Ngân sách quốc gia đều đầu tư vào đây nên cần một cơ quan riêng để quản lý nguồn vốn đầu tư cho cả nước. Đến nay, tình trạng vốn đầu tư ngân sách nhà nước giảm xuống, nên cũng không cần một cơ quan riêng quản lý vốn đầu tư phát triển mà cần tập trung vào một đầu mối.

Việc này, theo đại biểu, cũng là để thực hiện Nghị quyết số 18 hội nghị Trung ương 6 về quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước. 

"Hiện nay, trên thế giới có trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng chỉ có Việt Nam là có hai Bộ quản lý vốn ngân sách nhà nước. Khi quy mô nền kinh tế của chúng ta cũng như quy mô ngân sách của không lớn, không có lý do gì không tập trung để đảm bảo hội nhập quốc tế, nhanh, sâu, rộng. Việt Nam không thể một mình một kiểu", ông Chiểu nhấn mạnh.

Theo ông Chiểu, vừa qua khi sửa đổi luật Quản lý nợ công thì Quốc hội đã làm được một việc quan trọng là tập trung một đầu mối thống nhất quản lý đối với nợ công. Vì vậy, cần mạnh dạn tiến thêm một bước nữa để có sự quản lý thống nhất.

Lựa chọn dự án đầu tư công theo kết quả đầu ra

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng có ba nhóm vấn đề cần đưa vào phạm vi điều chỉnh. Thứ nhất là thể chế chính sách, bà đề nghị có quy định đổi mới cách thức lựa chọn dự án đầu tư theo kết quả đầu ra. 

"Cương quyết không đưa vào những dự án chưa đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội, không phân bổ cho các dự án giai đoạn sau nếu chưa làm rõ hiệu quả đầu tư của giai đoạn trước, đồng thời bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức cá nhân về hiệu quả đầu tư", bà Mai nói.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh: Trung tâm báo chí QH

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh: Trung tâm báo chí QH

Theo nữ đại biểu Hà Nội, luật hiện hành cho phép kéo dài thời hạn giải ngân 2 năm, cần thiết có thể kéo dài lên tới 5 năm. Quy định này chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, tăng lãi suất phải trả và chưa phù hợp với một số quy định khác. Vì vậy, bà đề nghị chỉnh sửa theo hướng chỉ cho phép kéo dài tối đa là 2 năm và nếu không thực hiện nghiêm thì thu hồi dự toán.

Với quy định "dự án đầu tư công khẩn cấp", một số đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã được mở quá rộng phạm vi so với Luật hiện hành dẫn đến việc lạm dụng áp dụng quy định này, tăng số lượng dự án khẩn cấp, không bảo đảm yêu cầu quản lý.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết nhấn mạnh điều kiện quyết định chủ trương đầu tư có vai trò quan trọng để đầu tư công phù hợp phát triển kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Nhưng quy định các "dự án đầu tư công khẩn cấp" không phải quyết định chủ trương đầu tư. Trong khi đó, theo giải thích từ ngữ thì nội dung quá rộng và "các trường hợp khẩn cấp khác do Chính phủ quy định". 

"Như vậy mở rộng và không rõ đối tượng, thiếu chặt chẽ khi thực hiện. Cần tiêu chí, nguyên tắc của dự án không cần chủ trương đầu tư để chặt chẽ, minh bạch trong quản lý vốn đầu tư. Quy định như dự thảo là quá rộng, là khe hở để chương trình dự án quy mô lớn lách luật", bà Mai Thị Ánh Tuyết nói.

Phát biểu cuối phiên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sau cuộc họp này, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư làm việc với các cơ quan liên quan, nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của đại biểu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội xem xét.

Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo rà soát để quy định cụ thể hơn chế độ trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong quản lý đầu tư công, tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế tốt nhất.

Theo Phó thủ tướng, về nguyên tắc, khoản chi của các đơn vị, nhất là đơn vị sự nghiệp thì không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước. Trong 2 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công không hề có vốn của các đơn vị sự nghiệp, họ được để lại chi tiêu theo quy chế tự chủ về tài chính. Nhưng Luật hiện hành đưa khoản này vào, ràng buộc theo Luật đầu tư công là rất bất cập. Có những sửa chữa nhỏ, vài trăm triệu cũng phải thực hiện đầy đủ thủ tục như đầu tư công.

"Có ý kiến cho rằng nên bỏ ra khỏi luật, thực hiện theo Luật Đầu tư công. Nhưng Chính phủ cân nhắc, dù không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước nhưng vẫn là chi tiêu công. Do đó, Chính phủ chọn vẫn đưa vào dự án Luật, nhưng giao cho Chính phủ quy định chi tiết về nguyên tắc chung để vừa chặt chẽ nhưng cũng tạo thuận lợi trong đơn vị thực hiện. Đề nghị đại biểu ủng hộ", ông Huệ nói.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; tiếp tục xem xét và dự kiến thông qua tại kỳ họp giữa năm 2019.

Hoàng Thùy

Let's block ads! (Why?)