Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình có sức chứa lớn thứ nhì Việt Nam (sau sân vận động Cần Thơ) với 40.200 chỗ ngồi. Sân bắt đầu hoạt động ngày 2/9/2003 với trận đấu đầu tiên giữa đội U23 Việt Nam với câu lạc bộ bóng đá Thân Hoa Thượng Hải.
Đây là sân vận động chính tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2003 gồm lễ khai mạc, bế mạc, các trận thi đấu của môn bóng đá nam và điền kinh. Sân vận động Mỹ Đình còn là nơi tổ chức lễ khai mạc Đại hội Thể thao trong nhà châu Á lần thứ III (Asian Indoor Games) từ ngày 30/10 đến 8/11/2009. Vào tháng 7/2007, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình là một trong những sân của 4 quốc gia đăng cai tổ chức Cúp bóng đá châu Á 2007 với 5 trận vòng bảng B, 1 trận tứ kết và 1 trận bán kết.
Ở AFF Cup 2018, tại đây sẽ diễn ra một trận đấu ở vòng bảng giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia. Ảnh: Giang Huy.
Sân vận động Hàng Đẫy nằm trên đường Trịnh Hoài Đức, Hà Nội. Trước khi có sân Mỹ Đình, Hàng Đẫy là nơi tổ chức các trận thi đấu của Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam và các đội tuyển nữ, đội tuyển thi Olympic. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện thể thao, văn hóa của Hà Nội và Việt Nam. Năm 1998, các trận khai mạc, bảng B và chung kết Tiger Cup đã diễn ra tại đây. Sân vận động Hàng Đẫy hiện là sân nhà của Hà Nội FC, Viettel với sức chứa khoảng 22.500 chỗ ngồi.
Tại giải AFF Cup 2018, đây sẽ là nơi diễn ra trận đấu giữa đội Việt Nam và Campuchia. Ảnh: Giang Huy.
Sân vận động quốc gia Bukit Jalil nằm trong khu liên hợp thể thao quốc gia của Malaysia, miền Nam thành phố Kuala Lumpur. Đây là sân vận động đa chức năng, khánh thành năm 1996 để phục vụ tổ chức Đại hội thể thao Thịnh vượng chung năm 1998. Sân Bukit Jalil có sức chứa 110.000 chỗ ngồi.
Đội tuyển Malaysia chọn Bukit Jalil làm sân nhà để thi đấu với đội tuyển Myanmar, Lào và các trận vòng knock-out tại AFF Cup năm nay. Ảnh: Stadium Astro.
Sân vận động Kuala Lumpur là một sân vận động đa năng ở Cheras, Kuala Lumpur, Malaysia. Các đội tuyển bóng đá của Malaysia sử dụng địa điểm này như sân nhà của họ, gồm Felda United, PDRM, PLUS FC và Selangor. Sân vận động này có sức chứa 18.000 chỗ ngồi.
Đội tuyển Timor Leste sẽ gặp đội tuyển Philippines tại sân vận động này khi AFF Cup khởi tranh. Ảnh: Wikimapia.
Gelora Bung Karno là sân vận động đa chức năng nằm tại khu liên hợp thể thao Bung Karno tại thủ đô Jakarta của Indonesia. Đi vào hoạt động lần đầu tiên năm 1962, sân vận động có sức chứa 110.000 chỗ ngồi. Sau hai lần giảm sức chứa và cải tạo, Gelora Bung Karno có 88.083 chỗ ngồi.
Tại AFF Cup 2018, đội tuyển Indonesia sẽ tiếp các đội Timor Leste và Philippines ở sân vận động này. Ảnh: Kumparan.
Sân vận động quốc gia Singapore nằm tại Kallang, khu dân cư nằm ở miền Trung đảo quốc sư tử. Đây là công trình thi đấu đa năng với kết cấu mái vòm có thể đóng mở, chủ yếu phục vụ cho các trận đấu bóng đá. Đây là sân vận động duy nhất trên thế giới có thiết kế tùy chỉnh để phù hợp với các môn bóng đá, bóng bầu dục, cricket và điền kinh. Sân vận động này cũng có thể tổ chức hòa nhạc, chương trình giải trí, các sự kiện tầm quốc gia và cộng đồng vào mọi lúc. Sân có sức chứa tối đa 55.000 chỗ ngồi cho bóng đá và bóng bầu dục, 52.000 cho môn cricket và 50.000 cho các sự kiện điền kinh.
Sân vận động quốc gia Singapore hiện giữ kỷ lục về cấu trúc mái vòm lớn nhất thế giới với khoảng vượt 310 m. Hệ mái này có thể ngăn nhiệt của mặt trời và bảo vệ khán giả khỏi nóng, ẩm và mưa.
Đây sẽ là nơi Singapore tiếp đội Indonesia và Timor Leste. Ảnh: WorldArchitecture.
Sân vận động Trung tâm đào tạo trẻ Thuwunna là một sân vận động đa năng nằm tại Yangon, Myanmar. Với 32.000 chỗ ngồi, sân vận động này thường tổ chức các trận đấu bóng đá cấp quốc gia, quốc tế và các cuộc thi điền kinh. Công trình này từng được chọn tổ chức các trận đấu tại bảng G thuộc vòng loại giải vô địch bóng đá U-22 châu Á 2013. Đây cũng là nơi tổ chức các trận vòng bảng của Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 2016.
Thuwana sẽ là địa điểm tổ chức trận tranh tài giữa Myanmar và Việt Nam khi AFF Cup diễn ra. Ảnh: Wikimedia.
Sân vận động Quốc gia Lào mới thuộc Khu liên hợp thể thao quốc gia Lào, nằm cách trung tâm thủ đô Viêng Chăn khoảng 20 km. Công trình này có sức chứa tối đa 24.000 chỗ ngồi và chủ yếu tổ chức bóng đá nam, điền kinh. Lễ khai mạc và bế mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2009 đã diễn ra tại đây.
Ở AFF Cup 2018, đây là nơi diễn ra 2 trận thi đấu bảng B giữa đội Lào với Việt Nam và Myanmar. Ảnh: Wikipedia.
Sân vận động Mandalarthiri tọa lạc tại thành phố Mandalay, Myanmar mở cửa từ năm 2013 trong thời gian tổ chức các trận đấu SEA Games. Ngoài ra, đây là nơi từng tổ chức giải bóng đá nữ của Thế vận hội Đông Nam Á 2013 và cũng là sân nhà của câu lạc bộ bóng đá Yadanarbon. Sân có sức chứa 30.000 chỗ ngồi.
Đội tuyển Myanmar sẽ gặp đội tuyển Lào tại đây trong khuôn khổ giải AFF Cup 2018. Ảnh: MFF.
Panaad là sân vận động đa năng, nằm bên trong công viên Panaad ở Barangay Mansilingan, thành phố Bacolod, Philippines. Diện tích sân vận động và công viên bao quanh rộng 25 ha, với sức chứa 20.000 chỗ ngồi. Trên sân Panaad diễn ra nhiều sự kiện thể thao quốc tế, đặc biệt là bóng đá khi Bacolod đồng tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2005 và vòng loại Cúp AFC Challenge 2012 trong trận gặp Mông Cổ.
Tại AFF Cup, Philippines sẽ thi tài với Singapore và Thái Lan trên mặt sân này. Ảnh: Twitter.
Sân vận động quốc gia Rajamangala là sân nhà cho đội tuyển bóng đá quốc gia Thái Lan. Thuộc khu liên hợp thể thao Hua Mak, sân Rajamangala nằm ở tiểu khu Hua Mak, Bang Kapi, Bangkok. Sân vận động này được xây dựng để trở thành địa điểm tổ chức Thế vận hội Châu Á 1998. Đại hội Thể thao ASEAN 1999 và Universiade mùa hè năm 2007 cũng được tổ chức tại công trình này. Sân Rajamangala ban đầu có thể chứa 65.000 khán giả nhưng đã giảm xuống dưới 50.000 vào năm 2007.
Đội tuyển Timor Leste, Indonesia, Singapore sẽ thi đấu với chủ nhà Thái Lan tại đây khi AFF Cup 2018 diễn ra. Ảnh: Hotels.
Sân vận động Olympic nằm ở Phnom Penh,Campuchia. Dù có tên gọi như vậy, công trình này chưa từng tổ chức Olympic. Đi vào hoạt động năm 1964, sân có sức chứa 50.000 người.
Đội tuyển Campuchia sẽ tiếp các đội Malaysia và Lào trên sân vận động này tại giải AFF Cup 2018. Ảnh: Ministry of Tourism Cambodia.
Kiều Dương