Chứng khoán lao dốc cũng không khiến Trung Quốc nhượng bộ Mỹ

Hôm qua, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đóng cửa giảm 1,3%. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp chỉ số này đi xuống. Từ đầu năm, nó đã mất 18%. Còn nếu so với đỉnh gần nhất hồi tháng 1, mức giảm là 25%. Ngược lại, ở Mỹ, S&P 500 đã tăng 6% từ đầu năm và đang có chuỗi tăng giá dài nhất lịch sử.  

Việc này dường như đang giúp Tổng thống Mỹ - Donald Trump có lợi thế trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Vì nếu chứng khoán Mỹ giảm mạnh như với Trung Quốc, ông sẽ phải chịu sức ép lớn.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, giới phân tích đều cảnh báo khách hàng chuẩn bị cho một giai đoạn bất ổn dài, do xung đột thương mại gia tăng.

Một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc đang theo dõi bảng điện tử. Ảnh: Reuters

Một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc đang theo dõi bảng điện tử. Ảnh: Reuters

Giám đốc Đầu tư của Safanad - John Rutledge cho rằng Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình không chịu quá nhiều sức ép chính trị từ trong nước như ông Trump. Đầu năm nay, Quốc hội Trung Quốc còn bỏ phiếu thông qua gỡ quy định giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch. Vì thế, việc thị trường chứng khoán giảm mạnh cũng không khiến Trung Quốc muốn nhân nhượng.

Bank of America Merrill Lynch dự báo cuộc chiến này sẽ còn mất nhiều thời gian nữa mới giải quyết được. “Ở thời điểm này, cả hai bên có vẻ đều đang muốn kéo dài”, Helen Qiao, nhà kinh tế học tại ngân hàng này cho biết.

J.P. Morgan cũng đồng ý rằng khoảng cách về yêu cầu thương mại giữa hai nước cũng có nghĩa việc đàm phán sẽ lâu hơn. “Khoảng cách giữa danh sách yêu cầu của Mỹ và Trung Quốc là rất lớn. Việc đàm phán lúc tốt đẹp lúc căng thẳng vài tháng gần đây cho thấy không bên nào muốn nhượng bộ nhiều”, Haibin Zhu - chiến lược gia cổ phiếu Trung Quốc tại J.P. Morgan nhận định, “Triển vọng vẫn còn rất mờ mịt. Kể cả nếu việc đàm phán được nối lại, nó cũng sẽ là một quá trình dài và đầy thách thức”.

Wells Fargo tháng trước lý giải chứng khoán Trung Quốc đi xuống năm nay do chiến tranh thương mại và sự lo lắng về tăng trưởng kinh tế tại đây. “Căng thẳng gia tăng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc - vốn đang trên đà chậm lại”, Peter Donisanu - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Wells Fargo nhận xét.

Đến nay, Mỹ đã chính thức áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc và nhận về đòn đáp trả quy mô tương tự. Tuần trước, ông Trump đề nghị Đại diện Thương mại Mỹ - Robert Lighthizer cân nhắc nâng thuế nhập khẩu đề xuất với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%. Đáp lại, Trung Quốc cũng tuyên bố chuẩn bị trả đũa với 60 tỷ USD hàng Mỹ.

Hôm nay, Shanghai Composite đã tăng trở lại, với 2,74%. Tuy nhiên, J.P. Morgan cho rằng chứng khoán Trung Quốc sẽ không hoàn toàn hồi phục cho đến khi chiến tranh thương mại được giải quyết. “Căng thẳng Mỹ - Trung vẫn là rủi ro lớn. Tâm lý nhà đầu tư có thể sẽ vẫn thận trọng cho đến khi mọi việc rõ ràng”, Zhu cho biết. J.P. Morgan dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại, còn 6,3% nửa cuối năm 2018, thấp hơn so với 6,8% nửa đầu năm nay.

Cuối tuần trước, ông Trump tuyên bố Mỹ đang chiến thắng trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc, lấy dẫn chứng về sự sụt giảm của chứng khoán nước này so với mức tăng của Wall Street.

“Thuế nhập khẩu đang có hiệu quả vượt kỳ vọng. Thị trường Trung Quốc đã mất 27% trong 4 tháng qua... Thị trường của chúng ta đang mạnh hơn bao giờ hết và sẽ tăng vọt khi những hiệp định thương mại tồi tệ này được đàm phán lại thành công. Nước Mỹ trên hết”, ông viết trên Twitter.

Hà Thu (theo CNBC)

Let's block ads! (Why?)