Toan tính đằng sau quyết định rút lui của Uber

Uber Technologies vừa ra thông báo xác nhận bán mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab, đánh dấu sự rút lui thứ 2 tại châu Á. Theo thỏa thuận, Uber sẽ bán toàn bộ mảng kinh doanh tại thị trường 620 triệu dân này, kể cả dịch vụ giao đồ ăn Uber Eats cho Grab. Đổi lại, họ sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab.

"27,5% cổ phần tại một doanh nghiệp đang tăng trưởng được định giá 6 tỷ USD, là cái giá hời cho Uber sau khi đã đầu tư 700 triệu USD vào thị trường Đông Nam Á sau 5 năm", Techcrunch nhận định về thương vụ mới đây từ Uber. Họ cho biết số cổ phần mà Uber nhận được từ Grab ước tính hơn 1,6 tỷ USD.

Rút khỏi Đông Nam Á là lần thứ 3 Uber chọn cách bán lại mảng kinh doanh để đổi lấy cổ phần của đối thủ.

Rút khỏi Đông Nam Á là lần thứ 3 Uber chọn cách bán lại mảng kinh doanh để đổi lấy cổ phần của đối thủ.

Với Uber, thương vụ đánh đổi lấy cổ phần của doanh nghiệp đối thủ không chỉ đơn thuần là quyết định rút lui khỏi một thị trường yếu thế. "Việc mọi người thắc mắc hợp nhất liệu có phải là chiến lược hiện tại của Uber không, cũng là điều dễ hiểu. Và câu trả lời là không", CEO Uber - Dara Khosrowshahi viết trong email gửi các nhân viên. 

Từ khi nhậm chức năm ngoái, Khosrowshahi luôn bị thúc giục lấy lại hình ảnh của công ty bằng việc làm đẹp số liệu tài chính và văn hóa doanh nghiệp, để chuẩn bị cho việc IPO vào năm tới. Theo báo cáo tài chính năm 2017, mức lỗ của hãng đi chung xe này đạt 4,5 tỷ USD, tăng 61% so với năm 2016, theo các số liệu của The Information. "Rút chân khỏi các thị trường như Đông Nam Á sẽ giúp tăng lợi nhuận cho họ", Bloomberg nhận định.

Từ khi thành lập cách đây 9 năm, Uber đã tiêu tốn 10,7 tỷ USD. Riêng khu vực Đông Nam Á, ứng dụng gọi xe này đã "đốt" khoảng 700 triệu USD.

Một số chuyên gia cho rằng, nếu tiếp tục dồn lực vào một thị trường yếu thế, số tiền mà Uber phải tiêu tốn sẽ gia tăng lên rất nhiều. Và các cổ đông lớn lại không thích điều này.

Trước khi vụ chuyển nhượng này được quyết định, dự báo về sự sáp nhập tại thị trường cạnh tranh khốc liệt như châu Á đã nổi lên sau khi SoftBank Group rót hàng tỷ USD vào Uber. SoftBank là cổ đông lớn của cả Grab, Uber cũng như ứng dụng đi chung xe Trung Quốc – Didi Chuxing. Họ đã liên tục thúc đẩy thương vụ này, nhằm cải thiện lợi nhuận cho Uber.

Techcrunch ước tính 27,5% cổ phần mà Uber nhận được trong Grab có giá trị khoảng 1,6 tỷ USD, hơn gấp đôi so với số tiền mà Uber đã đổ vào thị trường Đông Nam Á sau 5 năm hoạt động. Nhưng đây vẫn chưa phải tất cả. Sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp đối thủ, dường như là cách hợp lý để Uber "đi cùng" với sự bùng nổ của thị trường đi chung xe.

Báo cáo của Temasek ước tính thị trường đi chung xe của Đông Nam Á có thể tăng gấp 4 lần về giá trị sau 7 năm tới, đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025. Grab đang là cái tên đứng đầu tại khu vực này với mức độ bao phủ tại 198 thành phố.

"Uber có thể tiếp tục gia tăng đầu tư và đạt được những thành công nhất định ở Đông Nam Á, nhưng chấp nhận thỏa thuận này có thể giúp chuyển dịch nguồn lực sang các thị trường trọng tâm khác", Techcrunch nhận định.

Và Uber cũng đang có nhiều việc phải làm để củng cố hoạt động kinh doanh tại những thị trường cốt lõi. "Một trong những mối nguy hiểm tiềm ẩn trong chiến lược toàn cầu hóa của chúng tôi là phải chiến đấu trên quá nhiều mặt trận với nhiều đối thủ cạnh tranh", CEO Uber đánh giá. 

Sự phân tán nguồn lực khiến Uber trở nên yếu thế hơn tại những thị trường có những tên tuổi lớn mang tính địa phương. Năm 2016, Uber đã phải bán mảng kinh doanh tại Trung Quốc cho đối thủ Didi Chuxing để đổi lấy 17,5% cổ phần trong công ty này. Sau đó, mảng kinh doanh tại Nga cũng bị bán cho Yandex. Còn lần này đến lượt Đông Nam Á - thị trường đã được đánh giá là "sân nhà" của Grab ngay từ khi ứng dụng ra mắt năm 2012.

Tại châu Á, Uber còn nhiều thị trường chủ chốt khác, là Nhật Bản và Ấn Độ. Trong chuyến thăm châu Á vào tháng trước, CEO Uber từng khẳng định sẽ vẫn giữ hai thị trường này. Tuy nhiên, cuộc chiến tại đây cũng không hề dễ dàng.

Didi Chuxing - đối thủ đã đánh bật Uber khỏi thị trường Trung Quốc, và có cùng cổ đông là SoftBank, đang thể hiện rõ tham vọng toàn cầu hóa và đe dọa đến một số thị trường trọng tâm của Uber. Công ty này đã kiểm soát thị trường Brazil và đang tuyển dụng nhân lực cho kế hoạch mở rộng tại Mexico. Với sự hỗ trợ của SoftBank, Didi cũng đặt mục tiêu tiến vào Nhật Bản.

Còn tại Ấn Độ, Uber đang trong "cuộc chiến" kéo dài nhiều năm với Ola, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bangalore. Tuy nhiên, Ola cũng không phải cái tên đơn giản. Công ty này cũng được hỗ trợ bởi SoftBank. Ứng dụng này đã có hơn một triệu lái xe tại Ấn Độ và hoạt động tại 110 thành phố.

Minh Sơn

Let's block ads! (Why?)