Singapore: Có cơ sở nghi ngờ vụ Grab mua Uber vi phạm luật

Đây là lần đầu tiên CCS đề xuất các biện pháp tạm thời với một công ty đang điều tra. Nếu được áp dụng, các biện pháp này sẽ đòi hỏi Grab và Uber duy trì chính sách giá và sản phẩm độc lập, như trước khi vụ mua lại diễn ra. Đầu tuần này, khi thông báo mua lại mảng Đông Nam Á của Uber, Grab cho biết có kế hoạch ngừng hoạt động của ứng dụng Uber từ ngày 8/4 và UberEats vào cuối tháng 5.

Tuyên bố của ủy ban trên là diễn biến mới nhất trong vụ Grab – Uber, sau khi mở cuộc điều tra đầu tuần này mà họ "không nhận được thông báo" giữa 2 công ty. Theo luật Cạnh tranh, ủy ban này có quyền đưa ra các biện pháp tạm thời với các cuộc sáp nhập mà họ không nhận được thông báo và đang được điều tra.

Uber đầu tuần này đã tuyên bố bán mảng Đông Nam Á cho Grab. Ảnh: Straits Times

Uber đầu tuần này đã tuyên bố bán mảng Đông Nam Á cho Grab. Ảnh: Straits Times

CCS cho biết cả hai công ty không được có hành động nhằm hợp nhất việc kinh doanh tại đây và ảnh hưởng đến tính độc lập của doanh nghiệp. Họ cũng sẽ không được lấy thông tin mật của nhau, như giá, công thức, khách hàng và tài xế.

Grab phải đảm bảo tài xế của Uber tham gia nền tảng của mình một cách tình nguyện, không phải tuân theo "các điều khoản độc quyền, thời kỳ cấm hoạt động hay phí chấm dứt hợp đồng". Cuối cùng, các công ty không được có biện pháp ảnh hưởng đến khả năng khắc phục sự cố của CCS.

Ủy ban này cho biết Grab và Uber có thể nộp văn bản giải trình và cơ quan này sẽ xem xét trước khi đưa ra quyết định có áp dụng các biện pháp trên hay không. Nếu được áp dụng, chúng sẽ có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến ngày việc điều tra hoàn tất.

Trong trường hợp kết thúc điều tra mà CCS cho rằng việc sáp nhập sẽ làm giảm cạnh tranh đáng kể, họ có quyền yêu cầu hai công ty hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng. Nếu vi phạm Luật Cạnh tranh, ủy ban có thể áp mức phạt tối đa 10% doanh thu tại Singapore cho mỗi năm vi phạm, tối đa 3 năm.

Hà Thu

Let's block ads! (Why?)