Sáng 31/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam. Tại đây, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường, Tổng cục Du lịch đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động quảng bá du lịch Việt như chưa có nghiên cứu thị trường cơ bản, nguồn lực xúc tiến còn hạn chế…
Theo đó, kinh phí được cấp từ ngân sách cho quảng bá, xúc tiến du lịch của nước ta là 2 triệu USD một năm, rất thấp so với yêu cầu thực tế 10 triệu khách nước ngoài. Trong khi kinh phí của Thái Lan là 69 triệu USD (32,5 triệu khách quốc tế), Malaysia là 105 triệu USD (26,7 triệu khách), Singapore là 80 triệu USD (16,4 triệu khách), Indonesia là 200 triệu USD (10,2 triệu khách).
Ông Trịnh Đăng Thanh, đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh, cho rằng 2 triệu USD trên chỉ là nguồn cấp từ ngân sách nhà nước, còn thực tế kinh phí cho quảng bá lớn hơn, do các địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, TP HCM... cũng tham gia xúc tiến du lịch. Tuy nhiên, hoạt động này hiện chưa tập trung nên hiệu quả không cao.
Miền Tây là điểm đến yêu thích của nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam. Ảnh: Ngô Quang Hiệu. |
Cùng với tỷ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam còn thấp (khoảng 30%), ông Đinh Ngọc Đức đánh giá chi phí quảng bá bỏ ra trên một đầu khách quá đắt. Đồng ý với nhận định trên, ông Lê Quốc Vinh, CEO Tập đoàn Truyền thông Lê, chỉ ra: "Hiện chi phí giữ một khách cũ chỉ bằng 1/5 so với thu hút một khách mới. Để quảng bá hiệu quả nhất, đầu tiên là dựa vào sản phẩm".
Theo ông Vinh, các địa phương cần có sản phẩm chiến lược hấp dẫn để kéo khách du lịch quay trở lại, sau đó mới đến xúc tiến, quảng bá; duy trì các mối quan hệ với khách hàng cũ. "Việt Nam chưa quan tâm nhiều lắm, nhưng ở nước ngoài nhiều năm sau họ vẫn chăm sóc, cập nhật thông tin cho khách. Điều này đòi hỏi giải pháp marketing đồng bộ", ông Vinh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cũng cho rằng hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam mới chỉ dừng lại ở bước đầu.
“Muốn xúc tiến hiệu quả cần biết thị trường là đâu, họ muốn gì. Trước hết phải làm sản phẩm, trong vòng 5 năm phải có sản phẩm mới thì mới có thể giữ khách cũ và thu hút khách mới”, ông Thọ nói và dẫn chứng bài học thành công từ Singapore với các trung tâm du lịch mới mọc lên theo thời gian như Resort World ở Sentosa, Marina Bay...
CEO VnTrip Lê Đắc Lâm thì cho rằng nên làm mới sản phẩm nhưng không cần làm quá nhiều, bởi hiện nay có những sản phẩm chưa làm tốt. Song song với đó là phải cải thiện chất lượng dịch vụ để khách nước ngoài hài lòng khi trải nghiệm tại Việt Nam.