Chủ đầu tư dự án Tổ hợp Nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (tên thương mại là Bright City) ở xã Kim Chung (huyện Hoài Đức, Hà Nội) và cư dân vừa có buổi đối thoại để tìm tiếng nói chung trong việc triển khai dự án.
Buổi đối thoại này diễn ra sau khi hơn 700 khách hàng mua nhà ở xã hội tại dự án có đơn kêu cứu gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng về tình trạng chậm tiến độ, trong khi người mua nhà vừa phải gánh lãi ngân hàng, vừa phải trả tiền thuê nhà hàng tháng. Dự án được hứa bàn giao vào cuối năm 2017, song đến nay vẫn chưa xây xong phần thô.
Sau nhiều lần gây áp lực, gần đây chủ đầu tư đã chấp thuận buổi làm việc với cư dân để tìm ra phương án giải quyết. Trong cuộc họp, ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, chủ đầu tư dự án thừa nhận tình trạng khó khăn về tài chính sau khi gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà kết thúc. Trong khi đó, cơ chế cho vay tiếp theo của dự án dưới dạng thương mại lại không thực hiện được theo hợp đồng tín dụng mà đơn vị này đã ký với nhà băng trước đây.
“Chủ đầu tư mong muốn được thanh lý hợp đồng mua bán nhà để đảm bảo lợi ích của khách hàng. Như vậy, chúng tôi sẽ trả lại vốn góp của khách hàng đã nộp”, ông Sơn đề xuất phương án giải quyết và cho biết không hề có ý trốn tránh khách hàng mà muốn tìm phương án khả thi nhất cho cả hai phía.
Hơn 700 hộ dân đã nộp hàng trăm tỷ đồng vào dự án song đến nay vẫn chưa có nhà để ở. |
Theo ông Sơn, sau khi thanh lý hợp đồng và đơn vị này sẽ trả lại toàn bộ số tiền góp vốn mà khách hàng đã góp vào dự án sau 80 ngày. Trong đó, với phần vốn nhà cư dân được các nhà băng giải ngân theo gói 30.000 tỷ đồng, chủ đầu tư sẽ trả thêm lãi suất theo mức quy định của gói vay này. Riêng với khoản vốn đối ứng của cư dân, đơn vị này sẽ không tính lãi.
Tuy nhiên, ông Sơn nhấn mạnh, việc thanh toán chỉ được thực hiện sau khi khách hàng ký biên bản thanh lý hợp đồng.
Trong khi đó, hầu hết cư dân không đồng tình với phương án này. "Hơn 2 năm qua, chúng tôi vay mượn để đóng tiền, nhưng giờ nhà không có, nợ vẫn phải trả. Đến giờ này điều chúng tôi cần là bàn giao nhà", một cư dân bức xúc nói.
Ông Phạm Đức Tĩnh, người mua tòa A2, đại diện cư dân cho biết phương án ký thanh lý hợp đồng sau đó mới nhận tiền cũng chứa đựng nhiều rủi ro bởi chủ đầu tư gần như cạn kiệt về tài chính.
"Chủ đầu tư đến tiền thanh toán cho nhà thầu chỉ hơn chục tỷ còn không có thì lấy đâu ra vài trăm tỷ để thanh toán cho khoảng 700 người mua nhà, chưa kể tiền lãi", ông Tĩnh nói.
Trong khi đó, một số cư dân khác thì cho rằng, chủ đầu tư phải hoàn trả toàn bộ tiền khách hàng đã nộp kèm lãi theo quy định tại hợp đồng mua bán.
"Đặc biệt, chủ đầu tư phải xử lý thủ tục để tất toán các khoản vay nợ mua căn hộ tại ngân hàng. Tuy nhiên, hiện chủ đầu tư còn chưa có phương án lấy đâu ra tiền để tất toán các khoản vay. Như vậy cũng đồng nghĩa, nếu ký thanh lý hợp đồng, chủ đầu tư trả được khoản vay thì phía ngân hàng chỉ biết đòi người vay là chúng tôi", một cư dân lo ngại.
Luật sư Phùng Viết Vĩnh, Công ty Luật TNHH Vinawin cho biết, các điều khoản về thanh lý cần phải xem xét dựa trên hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, theo ông, việc chủ đầu tư yêu cầu khách hàng ký thanh lý hợp đồng trước khi hoàn trả tiền chứa đựng rất nhiều rủi ro cho người mua nhà. Để đảm bảo quyền lợi của mình, người mua nhà nên có đơn vị đại diện am hiểu pháp lý tư vấn kỹ lưỡng trước khi ký thủ tục thanh lý hợp đồng.
Theo ông, về nguyên tắc, trước khi thanh lý hợp đồng, hai bên chủ đầu tư và cư dân đều phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định trong đó. Tuy nhiên, trong điều kiện này, chủ đầu tư đã vi phạm điều khoản hợp đồng là không bàn giao nhà đúng tiến độ. Do đó việc thanh lý chỉ có thể được thực hiện khi đạt được thỏa thuận và có ký nhận của cư dân.
Ngoài ra, theo ông Vĩnh, bên cạnh việc hoàn lại các khoản vốn góp đã nhận thì trường hợp này chủ đầu tư còn phải chịu khoản lãi phạt do vi phạm hợp đồng. Khoản lãi phạt này bao gồm cả khoản tiền vốn đối ứng của cư dân và nhà băng giải ngân, tính theo lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng.
Trong trường hợp cư dân không đồng ý với phương án đề xuất của chủ đầu tư, hai bên không tìm được tiếng nói chung, cư dân có thể khởi kiện ra tòa.
Tại buổi làm việc vừa diễn ra, không đồng tình với phương án của chủ đầu tư, phía khách hàng đã yêu cầu chủ đầu tư cần báo cáo Sở Xây dựng về tình trạng khó khăn tại dự án. Người mua nhà đề nghị doanh nghiệp phải mời đại diện Sở Xây dựng, đại diện ngân hàng cho vay tham gia cuộc họp tiếp theo với cư dân vào ngày 28/3 tới.
Nguyễn Hà