Nhận định trên được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị Blockchain 2018 do Vietstock và FundYourselfNow tổ chức. Theo ông Liu Yusho - Chủ tịch và nhà tư vấn của Vinaex.com, công nghệ Blockchain tạo ra giao dịch đáng tin cậy, hệ thống các bản ghi điện tử, nhận dạng chính xác hơn, tự động hóa sau đó sử dụng liên quan đến các hợp đồng thông minh, tạo ra nền tảng gọn nhẹ trong thanh toán bù trừ.
Theo ông Liu Yusho, công nghệ Blockchain ghi lại mọi dấu vết của giao dịch và không thể đảo ngược được. Do đó, bất kỳ ai cũng không thể thay đổi một khi giao dịch đã diễn ra. Dữ liệu của công nghệ này lưu giữ đồng thời trên hàng chục nghìn máy tính của những người khai thác trên toàn cầu. Nên khả năng bị mất dữ liệu gần như không có.
Công nghệ Blockchain được coi là tương lai ngành ngân hàng. |
Trong hệ thống thanh toán, Blockchain giúp chuyển khoản nhanh chóng và tức thì mà không phải thông qua bất kỳ trung gian nào. Vì vậy, sẽ có nhiều người tìm đến công nghệ Blockchain để thanh toán.
Ông Liu Yusho nêu ra một số loại tiền ảo sử dung phổ biến, dựa trên nền tảng Blockchain. Điển hình như Ripple, sử dụng công nghệ thuật toán chuỗi khối Blockchain, nhằm giải quyết nhanh chóng các giao dịch tài chính giữa 7 ngân hàng lớn nhất thế giới.
Hay như Stellar, hiện các tổ chức ở những quốc gia đang phát triển sử dụng. Stellar là nền tảng được phát hành vào năm 2014, đươc định vị như “tương lai của ngành ngân hàng” với mục tiêu cung cấp dịch vụ ngân hàng tức thời, bảo mật với chi phí thấp nhất.
Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó.
Công nghệ này được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu nên có tính bảo mật cao. Những vụ tấn công vào hệ thống dữ liệu tập trung của các định chế tài chính như ngân hàng, tập đoàn… sẽ rất khó thực hiện bởi để lấy thông tin trong một khối cụ thể nào đó, hacker sẽ phải tấn công hàng triệu máy tính trong mạng lưới cùng lúc.
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc tư vấn Vietstock cho biết, công nghệ này được coi là nền tảng của làn sóng cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra trên thế giới và mở ra xu hướng phát triển mới cho nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất đến viễn thông…
Ngoài ra, thời gian qua, công nghệ Blockchain được cả thế giới nhắc đến, trong đó đình đám nhất là ứng dụng vào tiền ảo (tiền kỹ thuật số) mà tiêu biểu nhất là đồng Bitcoin.
Ông Liu Yusho, Chủ tịch và nhà tư vấn của sàn Vinaex.com cho hay, cách đây vài năm, tổng vốn hóa trên thị trường tiền ảo chỉ ở mức 2 tỷ USD với dưới 1.000 loại tiền ảo, trong đó, Bitcoin chi phối khoảng 80-90% thị trường; thì hiện nay, vốn hóa trên thị trường này đã lên đến 600 tỷ USD với gần 1.500 loại tiền ảo và Bitcoin hiện còn chi phối dưới 35%.
Hiện Việt Nam đã bắt nhịp xu hướng thế giới rất nhanh trong lĩnh vực hiện đại này. Cụ thể, Bitcoin và một số từ khóa khác liên quan đến tiền ảo số đã lọt vào Top tìm kiếm nhiều nhất trên Google tại Việt Nam trong năm 2017.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bản thân công nghệ này cũng có nhiều vấn đề mà những nhà làm tư pháp đều phải quan tâm và tìm kiếm giải pháp. Bởi Blockchain có tính riêng tư cao, các giao dịch bất hợp pháp dễ phát sinh, gây bất ổn chính trị.
"Do vậy, dù xu hướng là không thể cưỡng lại nhưng cần tìm hiểu rõ hơn trước khi áp dụng Blockchain vào ngân hàng một cách hợp lý", một chuyên gia khuyến nghị.
Lệ Chi