JICA: Nhật Bản lo ngại chuyện chậm vốn tại Metro Sài Gòn

Lo ngại này được ông Fujita Yasuo - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam chia sẻ trong buổi họp báo sáng nay (18/10). Trong đó, "Đặc biệt, chúng tôi rất lo ngại về tình hình phân bổ vốn cho dự án đường sắt đô thị TP HCM - Tuyến số 1 (Metro số 1) và một số dự án khác do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ quản", ông cho biết.

Đến cuối tháng 9, tổng số tiền chưa thanh toán cho các nhà thầu là khoảng 4 tỷ yen (812 tỷ đồng). JICA cho biết thời gian chậm trễ thanh toán của các dự án là khác nhau. Riêng với Metro số 1 là nửa năm.

nhat-ban-lo-ngai-tinh-hinh-von-tai-metro-sai-gon

Tuyến metro số 1 của TP HCM liên tục trong tình trạng đói vốn. Ảnh: Duy Trần

Ông Yasuo cho hay, các khoản vay của năm tài chính 2017 đối với dự án này đã chạm trần và TP HCM đang đề nghị bổ sung vốn. Tuy nhiên, việc quyết định sẽ còn mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, việc TP HCM đưa ra giải pháp tạm ứng vốn từ ngân sách thành phố để trả cho các nhà thầu chỉ là tạm thời. "Nếu việc phê duyệt, phân bổ ngân sách của chính phủ tiếp tục chậm trễ, rất có thể không còn vốn rót cho các dự án này và trả cho các nhà thầu. Khi đó, các nhà thầu không thể thanh toán tiền mua nguyên vật liệu cần thiết, hoặc chậm trả lương, dẫn đến chậm tiến độ dự án", ông nhận định.

Lãnh đạo JICA cũng giải thích việc chậm trễ đối với các dự án ODA nói chung mới phát sinh vài năm gần đây. Một phần nguyên nhân là nợ công được giới hạn tại 65% GDP. Thứ hai là Luật ngân sách Nhà nước năm 2015, quy định mức trần vay tối đa trong 1 năm với các dự án ODA. Đến năm 2016, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, việc kiểm soát nợ công càng được thắt chặt.

Theo vị đại diện này, JICA hiểu rằng các quy định của Chính phủ Việt Nam là nhằm giảm thâm hụt, đảm bảo sự cân bằng ngân sách. Vì vậy, về cơ bản, họ ủng hộ các quyết định trên.

"Tuy nhiên, Việt Nam cần đảm bảo cân bằng giữa giảm nợ công và duy trì phát triển kinh tế bền vững. Để đưa ra giải pháp phù hợp, chúng tôi đang cố gắng trao đổi, thảo luận chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam", ông nói.

Các dự án bị chậm thanh toán sẽ kéo theo chậm trả lương nhân viên, ảnh hưởng đến tiêu dùng. Bên cạnh đó, nó có thể làm giảm động cơ của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, do họ sẽ coi đây là một rủi ro kinh doanh.

Khi được hỏi liệu việc chậm trễ thanh toán có ảnh hưởng đến quyết định cho vay của Chính phủ Nhật Bản với Việt Nam, ông Yasuo cho biết "chưa nhận được thông tin nào như vậy". Tuy nhiên, ông cho rằng việc này sẽ gây ra 2 lo ngại về phía Nhật Bản. Nếu trong thời gian tới, tình hình này không được cải thiện, Chính phủ Nhật Bản sẽ chần chừ về các khoản vay mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhật Bản cũng sẽ khó ủng hộ việc tiền thuế họ nộp được dùng cho vay Việt Nam.

JICA cho rằng ODA đang đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Cơ quan này cũng dẫn số liệu về nợ công còn nợ đọng và tình trạng thanh toán nợ, cho thấy việc giải ngân vốn vay ODA không phải là yếu tố chính làm tăng nợ công của Việt Nam.

Nhìn chung, các dự án ODA được đánh giá vẫn còn chậm trễ về thủ tục, từ việc phê duyệt đến giải phóng mặt bằng. Vì vậy, JICA mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ giải quyết 3 vấn đề, gồm phân bổ ngân sách vốn vay cho các dự án, tăng tốc độ quyết định và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Cũng trong buổi họp báo, ông Yasuo cho biết nửa đầu tài khóa 2017 - từ tháng 4 đến tháng 9, tổng giá trị vốn vay ODA cam kết mới là 61,8 tỷ yen cho 3 dự án. Trong đó, số vốn đã giải ngân là 51,2 tỷ yen.

Hà Thu

Let's block ads! (Why?)