Thiếu người làm, quán nhậu Nhật săn sinh viên Việt

Sự bùng nổ các quán nhậu bình dân (izakaya) tại Nhật đang làm gia tăng tình trạng thiếu hụt lao động. Hiện tại, các nhà hàng này đang phải tăng cường tuyển dụng nhân viên bán thời gian (part-time) người Việt để giải quyết bài toán nhân sự.

Torikizoku - chuỗi nhà hàng gà nướng có trụ sở ở Osaka là một ví dụ điển hình. Trước đây, sinh viên Trung Quốc chiếm phần lớn số lượng nhân viên part-time tại chuỗi cửa hàng này nhưng hiện chỉ còn khoảng 1%.

Torikizoku đang phải thuê sinh viên Việt Nam để thay thế. Ở một số cửa hàng tại trung tâm Tokyo, hầu hết nhân viên của Torikizoku đều là người Việt, trừ quản lý.

thieu-nguoi-lam-quan-nhau-nhat-san-sinh-vien-viet

Một sinh viên Việt Nam làm việc tại nhà hàng Torikizoku. Ảnh: Nikkei

Một sinh viên Việt Nam làm việc được 1,5 năm tại Torikizoku cho biết, cô vẫn gặp khó khi nói chuyện với khách hàng người Nhật nhưng hệ thống màn hình gọi đồ cảm ứng đã giúp công việc dễ dàng hơn.

Chuỗi nhà hàng này đã trở thành nơi làm việc phổ biến của sinh viên Việt Nam - những người nổi tiếng có đạo đức tốt và mạng lưới cộng đồng mạnh tại Nhật. Nhiều sinh viên cho biết được người quen chia sẻ Torikizoku là môi trường tốt cho những người có vốn tiếng Nhật hạn chế.

Torikizoku đặt mục tiêu phát triển 1.000 cửa hàng vào tháng 7/2021 nên vấn đề đảm bảo nguồn nhân lực là rất quan trọng. Để hỗ trợ quá trình đào tạo nhân viên người Việt nhanh chóng, nhà hàng này đã sản xuất thêm những video hướng dẫn nấu ăn bằng tiếng Việt.

"Họ phải phục vụ các khách hàng người Nhật nhưng nhiều hướng dẫn nên là tiếng Việt", ông Hidehito Nakanishi tại Torikizoku cho biết.

"Các nhân viên part-time người Việt rất chịu khó và thật thà. Họ sẽ là những nhân viên tốt nhất khi thành thạo tiếng Nhật", ông Eita Iida - chủ tịch Ten Allied nhận định. Doanh nghiệp của ông đang vận hành Tengu Sakaba và nhiều quán rượu khác.

Tính đến tháng 7, Ten Allied có 480 nhân viên part-time người Việt, tăng 10 lần so với năm 2014. Theo đó, người Việt là nhóm lao động nước ngoài đông nhất, với 18% tại công ty này.

Trong khi đó, công ty Chimney điều hành chuỗi quán nhậu bình dân Hana no Mai cũng cho biết đang tìm kiếm lao động người Việt. Tính đến tháng 6, có 214 trong tổng số 515 nhân viên part-time của Chimney là người Việt, tương đương 42%.

thieu-nguoi-lam-quan-nhau-nhat-san-sinh-vien-viet-1

Phần lớn nhân viên part-time tại các quán nhậu Nhật là người Việt. Ảnh: Nikkei

Huyền là sinh viên trường Osaka Japanese Language cách đây một năm. Cô gái 19 tuổi này làm việc từ 6 đến 10 giờ tối tại một cửa hàng bánh bao sau giờ học và kiếm được khoảng 110.000 yen mỗi tháng.

Khoản thu nhập này giúp cô đủ trang trải các chi phí sinh hoạt, không bao gồm tiền học 250.000 yen một năm đã được bố mẹ gửi sang. Ngoài ra, Huyền cũng được bao một bữa ăn khi làm việc tại cửa hàng nên cô cũng tiết kiệm được thêm. Số tiền tiết kiệm có thể giúp Huyền chi trả tiền học phí trong năm tới.

Tại Nhật, du học sinh được phép làm việc 28 giờ một tuần. Với mức thu nhập trung bình tại Việt Nam vẫn còn thấp, nhiều sinh viên người Việt cảm thấy khó để sống đủ chỉ với số tiền bố mẹ gửi sang. Do đó, những sinh viên này có xu hướng tìm kiếm những công việc có mức lương cao hơn, vào buổi tối sau giờ học.

Trước đây, hầu hết nhân viên part-time tại các quán nhậu đều là sinh viên Trung Quốc, gấp đôi số sinh viên Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên, số lượng sinh viên Trung Quốc làm thêm ngày càng giảm vì họ ngày càng nhận được nhiều tiền hơn từ gia đình,

Hiện tại, họ thường làm tại các cửa hàng tiện lợi để dễ sắp xếp công việc hơn khi mà lịch học dày đặc hay các cửa hàng miễn thuế - nơi họ có thể sử dụng các kĩ năng của người Trung Quốc.

Anh Tú (theo Nikkei)

Let's block ads! (Why?)