Chính quyền thành phố Khai Bình, tỉnh Quảng Đông đã thông qua dự án trị giá gần 900 triệu USD để phát triển làng cổ Chikan thành công viên chủ để phục vụ du khách, SCMP đưa tin ngày 28/8.
Khoảng 50% hộ dân trong làng Chikan không đồng ý ký nhận đền bù và thỏa thuận di dời. Các hộ trong nhà cổ xây từ những năm 1920-1930 được đền bù từ 3.200 tới 3.900 tệ (khoảng 485-590 USD) cho mỗi mét vuông. Trong khi những hộ sống ở khu nhà mới hơn tại trung tâm Khai Bình được đền bù 6.000 - 7.000 tệ (900-1.060 USD) mỗi mét vuông.
Làng cổ Chikan ra đời từ năm 1649 với kiến trúc kiểu phương Đông hài hòa trong thiết kế nhà diaolou (gia cố bằng bêtông, cốt thép) của người phương Tây. Năm 2007, UNESCO đưa quần thể làng cổ và nhà cổ diaolou tại Khai Bình vào danh sách di sản thế giới, trong đó có làng Chikan. Video: SCMP.
Nhiều cư dân từng sinh sống tại làng Chikan đã trở về ngay sau khi nghe tin giải tỏa. Anh Zhang Jie chia sẻ: "Tôi đã sinh ra tại nơi này như chuyển tới Quảng Đông nhiều năm về trước. Khi biết tin, tôi vội về đây chụp càng nhiều ảnh càng tốt để giữ làm kỷ niệm".
Một thanh niên ngoài 20 tuổi trong làng Chikan cho hay: "Chính quyền nói với chúng tôi điều này sẽ tốt cho du lịch địa phương. Chúng tôi sẽ không có đủ tiền thuê nhà nơi khác và có thể phải đi xuất khẩu lao động. Sau này khi về thăm làng của ông cha, chúng tôi sẽ phải mua vé vào cửa. Đó là một câu chuyện đáng buồn và đầy mỉa mai với chúng tôi".
Ông Jian Jian, một cư dân khác, nói: "Năm nay tôi đã 70 tuổi. Tôi được sinh ra trong căn nhà hai tầng cụ cố nội xây giữa làng, bên bờ con sông tuyệt đẹp này. Giờ chính quyền chỉ trả tôi 500.000 tệ (gần 75.650 USD) cho tất cả, ngần ấy không đủ để tôi mua một căn hộ nhỏ tươm tất trong thành phố".
Ông Jian cũng cho biết, làng Chikan là nơi nhiều Hoa kiều cư ngụ: "Không ai muốn bán tất cả và chuyển nhà, nhưng chúng tôi buộc phải đồng ý. Nhìn xem, họ đã đào hết cả đường lên và đóng cửa trạm xe buýt. Tour từ Hong Kong và đồng bằng Châu Giang cũng khó đưa du khách tới làng. Nhiều cửa hàng cũng phải đóng cửa và chuyển đi vì kinh doanh gặp khó khăn".
Lời thông báo đã có 2051 hộ dân chấp nhận đền bù và đồng ý thỏa thuận di dời vào ngày 21/6. Ảnh: Lea Li. |
Simon Zhao, giám đốc Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, nhận định: "Việc bảo vệ di sản là trách nhiệm của chính quyền. Tuy nhiên, chính quyền cần xem xét khi phê duyệt một dự án cải tạo, nhân danh bảo vệ di tích, nhưng thực chất đang đẩy người dân khỏi nhà, phủ nhận quyền lợi và quyền sở hữu của họ".
Những gì người dân Chikan đang đối mặt không phải là câu chuyện mới trong quá trình khai thác du lịch làng cổ tại Trung Quốc. Người dân phố cổ Wuzhen (Chiết Giang) hay dân tộc Naxi của Lệ Giang cổ trấn (Vân Nam) cũng phải rời làng quê khi du lịch phát triển.
Nền kinh tế phát triển thần tốc của Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng di sản kiến trúc bị phá hủy hoặc gặp nguy hiểm trong những dự án mang tên bảo vệ hoặc bảo tồn. Theo nghiên cứu năm 2011 của Cục Di sản Văn hoá Trung Quốc, khoảng 44.000 trong số 766.700 di tích văn hóa đã biến mất, phần lớn do phát triển kinh tế từ năm 1985.
Đường làng Chikan thưa người sau lệnh giải tỏa. Ảnh: Lea Li. |
Dự án được công bố từ tháng 4 nhằm đưa Chikan trở thành một trong những điểm khám phá văn hóa - lịch sử hàng đầu Trung Quốc tới năm 2020. Dự kiến cuối năm nay, chính quyền sẽ bắt tay vào công việc cải tạo.
Khai Bình có khoảng 670.000 dân, lượng khách ghé thăm thành phố này lên tới 6 triệu lượt vào năm 2016, đem về 6,3 tỷ tệ (hơn 950 triệu USD) cho kinh tế địa phương.
Chính quyền thành phố hy vọng làng cổ Chikan sẽ thu hút tới 7 triệu lượt khách mỗi năm, sau khi được nâng cấp thành công viên chủ đề với nhiều cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn...