Nhiều người có tâm lý tận dụng thời gian nghỉ lễ dài ngày để đưa cả gia đình đi chơi, tụ tập bạn bè, dù lường trước có thể gặp phải tình cảnh đông đúc, chen lấn và giá cả leo thang.
Tắc đường
Chưa kể có đi chơi hay không, chỉ đơn giản là về quê, bạn cũng dễ dàng gặp cảnh tắc đường vào đầu và cuối dịp nghỉ lễ. Từ chiều 28/4, nhiều cửa ngõ của Hà Nội và Sài Gòn ùn tắc từ sáng đến chiều. Anh Quốc Tuấn, Hà Nội, cho biết có xe riêng nên để tránh tắc đường, cả nhà chọn lên đường đi chơi lúc 23h nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan, khi xe nhích từng chút một trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Những ngày sau là cảnh kẹt xe trên đường vào nhiều khu du lịch trên cả nước. Xuất phát từ Hà Nội lúc 9h sáng 29/4, Thái Minh cho hay 15h anh vẫn chưa thể đặt chân đến Sầm Sơn (Thanh Hóa) bởi đường vào xe cộ chật kín như nêm. Tình trạng tương tự xảy ra ở đường vào thác Bản Giốc (Cao Bằng), đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), rừng Cúc Phương (Ninh Bình), Đà Lạt (Lân Đồng)...
Đông đúc
Đến nơi đã khó khăn, vất vả, để hưởng thụ trọn vẹn kỳ nghỉ cũng không hề dễ dàng khi hầu như nơi nào cũng bị quá tải khách. "Thất thủ" là cụm từ được sử dụng phổ biến trong 4 ngày nghỉ lễ để chỉ sự đông đúc đột biến tại các khu du lịch, vui chơi.
Đông nhất phải kể đến các bãi biển như Hạ Long, Cát Bà, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Nha Trang, Vũng Tàu... Dù nhiều nơi bờ biển dài, được cải tạo và mở rộng nhưng cứ đến dịp lễ lại như chiếc áo quá khổ với lượng khách đến hàng chục nghìn lượt mỗi ngày. Riêng Sầm Sơn, đợt nghỉ lễ đón 430.000 lượt khách.
Không chỉ biển, các điểm du lịch như Sa Pa, Đà Lạt, Cần Thơ cũng phải "gồng mình" đón lượng khách tăng vọt trong những ngày này. Tại Sa Pa, "nóng nhất" là khu cáp treo lên đỉnh Fansipan. Thanh Duy, du khách Hải Dương, cho hay phải chờ một tiếng mới có thể mua được vé.
Tại Đà Lạt, biển người chen chúc nhau tại khu vực chợ trung tâm tối 30/4. Việc bắt taxi trở về khách sạn cũng trở nên khó khăn bởi cung không đáp ứng đủ cầu, thậm chí một taxi nhét 10 người khi đi quãng xa.
Nha Trang đông nghịt khách ngày lễ. Ảnh: Xuân Ngọc.
Bị đội giá
Đây dường như trở thành một thực tế phải chấp nhận khi đi chơi dịp lễ. Tăng giá phổ biến nhất là phòng nghỉ. Tại Sa Pa, Đà Lạt, dù không "cháy phòng" nhưng giá các nhà nghỉ bình dân vẫn bị hét cao gấp 2-3 lần ngày thường. Giá phòng đơn từ 200.000 - 300.000 đồng một đêm, nay là 550.000 - 700.000 đồng. Phòng đôi từ 350.000 - 500.000 đồng một đêm lên hơn một triệu đồng.
Duy Tiến, một hướng dẫn viên đưa khách đến Cát Bà (Hải Phòng) dịp lễ vừa qua cho biết giá phòng karaoke ở đây tăng từ 100.000 đến 200.000 đồng một tiếng. Giá cho thuê xe máy ở Phan Thiết cũng tăng từ 100.000 - 150.000 đồng/xe lên 250.000 đồng. Dù tăng gấp 2,5 lần nhưng khách thậm chí còn không có xe để thuê.
Chi phí đi lại cũng bị đội lên ở cả đường bộ và hàng không. Vé máy bay dịp này khan hiếm nên không có loại rẻ. Với khách thuê xe tự lái, giá ôtô 5 và 7 chỗ thường dao động từ 450.000 đồng đến hơn một triệu đồng/ngày, đến lễ tăng khoảng 30%. Chị Thu Hoài cho hay vé xe khách đi Hạ Long ngày thường 80.000 đồng cho cả chặng, nay cũng bị tính đồng giá 100.000 đồng, dù xuống nửa đường.
Nhà nghỉ bình dân ở Đà Lạt tăng giá gấp 3 lần ngày thường. Ảnh: Khánh Hương.
Dịch vụ kém
Mất tiền nhưng khách đôi khi phải chịu dịch vụ kém.
Một du khách đến Vũng Tàu cho biết tối 30/4 gia đình anh đi vài vòng qua nhiều tuyến đường nhưng không tìm được quán ăn còn chỗ trống. Nơi nhận khách nhưng không còn chỗ đỗ xe. Cuối cùng, sau hơn một tiếng, anh cũng đã có chỗ dừng chân. Nhưng khi vào bàn, nhiều món muốn gọi đã hết nên anh đành chấp nhận ăn tạm lẩu chua với… mì gói.
“Nồi lẩu được vài miếng cá mà tính 300.000 đồng, gọi bốn món mà chờ mãi mới phục vụ được một món rồi ngưng luôn, nhắc nhân viên mấy lần mà toàn bảo mình chờ. Bực quá mình gọi tính tiền rồi về khách sạn ngủ cho xong”, du khách này bức xúc.
Trong hai ngày 30/4 và 1/5, bến Ninh Kiều (Cần Thơ) xảy ra tình trạng "cháy" tàu. Tại 3 bến tàu đưa, đón khách du lịch, có trên 200 tàu, thuyền hoạt động liên tục. Lúc cao điểm, các nhóm du khách phải đi tàu ghép. Cao điểm, bến tàu phục vụ trung bình trên 4.000 lượt khách/ngày.
Tại Đà Lạt, các dịch vụ như ăn uống, đạp vịt, taxi trong dịp này quá tải do lượng khách tới đông. Nhiều du khách sau khi đi tham quan phải đến các quán ăn ở xa trung tâm để dùng bữa, nhưng cũng phải chờ rất lâu.
Bến tàu du lịch Cầu Đá Vĩnh Nguyên (Nha Trang) đón hàng nghìn du khách đăng ký tham quan các đảo. Các đơn vị kinh doanh, khai thác du lịch tăng cường tàu thuyền để phục vụ du khách. Ảnh: Xuân Ngọc.
Lý do người Việt chọn đi chơi dịp lễ
Những đều trên không phải đến nay mới xảy ra mà thường phổ biến vào các dịp lễ. Tuy nhiên, lượng khách đến các điểm du lịch vẫn không ngừng tăng lên mỗi năm.
Như Nha Trang, 4 ngày nghỉ lễ đón 120.000 lượt khách, năm nay tăng lên 125.000 lượt. Tại Bình Thuận, lượng khách lưu trú đạt 56.000 lượt, cũng tăng 7% so với năm ngoái. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, tổng lượng khách đến trong dịp nghỉ lễ ước đạt 97.000 lượt, tăng 8.000 lượt so với cùng kỳ năm 2016.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là "đi du lịch hay hành xác?". Hoàng Xuân, Hà Nội, nêu ý kiến: "Ngày lễ đông đúc, nên đi vào cuối tuần hoặc dịp nào đó khác, chứ chen chúc và mệt mỏi như vậy thì sao vui, chỉ rước bực vào người". Đồng quan điểm, độc giả Phạm Hồng Tự cho hay: "Lễ đi chen chân đông đúc mệt thêm. Ở nhà nghỉ ngơi cho lành. Thích đi du lịch xin nghỉ phép mấy ngày rồi đi, thoải mái hơn tranh thủ vào những dịp lễ".
Tuy nhiên, không ít lý do được nhiều người đưa ra khi chọn đi du lịch dịp này. Đức Tùng cho rằng: "Một gia đình ngày thường thì chồng làm, vợ nghỉ hoặc ngược lại, nghỉ cũng một hai ngày nên dịp lễ mới có thời gian cho cả gia đình con cái đi chơi". Hòa Thanh lý giải: "Trừ nghỉ Tết, kỳ lễ 30/4 là dịp nghỉ dài nhất trong năm, nên đi đâu cũng thoải mái hơn về thời gian. Hơn nữa mọi người cùng nghỉ, tụ tập gia đình, bạn bè đi chơi rất tiện".
Thu Hà còn phân tích: "Nếu nói đi chơi ngày thường không tốn kém thì không hẳn. Bởi tiền lương xin nghỉ làm mấy ngày cũng bằng số tiền bị đội lên rồi, chẳng qua đỡ đông đúc hơn thôi".
Ảnh: Khánh Hương.